Sau khi đưa ra số tiền thưởng lên tới 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện Con Cưng nhập hàng không chính hãng, doanh nghiệp này cũng đã nhắn tin trực tiếp đến nhiều khách hàng quen thuộc của hệ thống, tiếp tục khẳng định chất lượng sản phẩm.
Một vị khách của Con Cưng cho biết, tối muộn ngày 29/7, anh bất ngờ nhận được tin nhắn từ hệ thống Con Cưng với nội dung: "100% sản phẩm tại ConCung chính hãng. Khách hàng có thể kiểm chứng thông tin tại tất cả nhà cung cấp. Cám ơn quý khách đã luôn ủng hộ".
Không chỉ riêng vị khách này, trên Facebook, nhiều khách hàng cũng chia sẻ nhận được tin nhắn trấn an của hệ thống với nội dung tương tự, sau khi những lùm xùm liên quan đến xuất xứ sản phẩm của Con Cưng bị tố giác.
Không chỉ nhận tin nhắn, khi truy cập trang web hoặc fanpage của Con Cưng, các "thượng đế" cũng nhận được dòng thông báo khẳng định lập trường ban đầu của siêu thị, không bán hàng "dỏm cho khách".
Thậm chí, các tin nhắn trên website còn đính đường link dẫn đến các tài liệu chứng từ như Tờ khai hàng hóa nhập khẩu (thông quan), Vận Đơn (Bill of Landing) hay Thư xác nhận của Nhà cung cấp về đơn đặt hàng theo thương hiệu CF Con Cưng.
Theo chia sẻ của chị Minh Anh (một khách hàng của Con Cưng), mặc dù việc đưa các thông tin liên quan khẳng định nguồn gốc xuất xứ của Con Cưng trong thời gian vừa qua là một cách xử lý khủng hoảng có tính cầu thị, giải đáp phần nào thắc mắc của khách hàng, tuy nhiên, điều khiến chị không hài lòng đó là Con Cưng thông qua quá nhiều kênh thông tin nên khiến khách hàng có cảm giác bị làm phiền.
"Ở đâu cũng thấy thông cáo báo chí, rồi nhắn tin, treo thưởng 1 tỷ đồng, có thể Con Cưng hi vọng lấy lại niềm tin của khách hàng, nhưng nhiều thứ quá nên cảm thấy hơi khó chịu. Nhất là khoản thưởng, rất không thực tế, chẳng lẽ đi mua thật nhiều hàng hóa để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hay sao. Quan trọng nhất vẫn là rà soát lại hệ thống, nếu có sai sót thì sửa để chất lượng hàng hóa tốt hơn", chị Anh phân tích.
Cũng theo vị khách này, hiện giờ, chị vẫn đặt niềm tin vào doanh nghiệp vì đây là nơi mua hàng thân thuộc, tuy nhiên, chị cũng như nhiều vị khách vẫn phải khách quan chờ kết luận của cơ quan chức năng về sự việc, trước khi quyết định mua sản phẩm Con Cưng trở lại.
Mặc dù ủng hộ Con Cưng, song chị Thanh Hằng (một khách hàng của siêu thị) cho rằng, những điều này chưa đủ để khẳng định siêu thị "trắng án".
"Mặc dù Con Cưng khẳng định sản phẩm Made In Thailand, nhưng lại mã vạch bắt đầu bằng 0012, truy xuất không ra quốc gia hay thông tin nào cả. Theo tôi biết thì mã Thái Lan bắt đầu phải là 885. Chính vì điều này mà ngay cả khi doanh nghiệp đưa các giấy tờ, chứng từ ra giải thích, thì nhiều người tiêu dùng như tôi vẫn thấy hoang mang", chị Hằng nói.
Theo chị, sản phẩm chất lượng tốt lưu thông trên thị trường là do phần làm việc của doanh nghiệp và cơ quan chức năng từ các khâu sản xuất, nhập khẩu cho đến kiểm tra, phân phối. Người tiêu dùng, dù có tìm hiểu kỹ thế nào, cũng khó có thể phát hiện sản phẩm có yếu tố gian lận nếu doanh nghiệp đã chủ đích làm giả, hoặc tìm cách qua mặt khách hàng.
Thắc mắc của chị Thanh Hằng cũng là nghi ngại của nhiều khách hàng của Con Cưng. Bản thân hệ thống này cũng thừa nhận, những ngày qua, đã phải giải đáp cho rất nhiều câu hỏi về chất lượng, nguồn gốc các sản phẩm đang bày bán.
Trong diễn biến mới nhất, tại buổi làm việc với Cục quản lý thị trường TP HCM chiều 30/7, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Con Cưng cho biết, có khoảng 30% sản phẩm kinh doanh trong chuỗi siêu thị được gia công tại nước ngoài.
Trong buổi làm việc này, vẫn giữ lập trường cũ, Con Cưng khẳng định 100% hàng hóa có giấy tờ chứng minh xuất xứ. Những sản phẩm bị khiếu nại của khách hàng hay thu giữ của cơ quan quản lý thị trường là do sai sót từ đơn vị gia công ở Thái Lan và lý do khách quan như đối tác của Con Cưng đổi tên công ty (với kem massage bụng Titione).
Lý giải về việc không tìm được thông tin mã vạch trên sản phẩm CF, ông Minh phân trần, "Đây là mã quản lý nội bộ sản phẩm, để việc thống kê, đánh giá tồn kho hàng hóa tại siêu thị thuận tiện, dễ dàng hơn".
Hiện tại, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, phía quản lý thị trường chưa công bố bất cứ kết luận nào về hoạt động kinh doanh của Con Cưng. Tuy nhiên, theo vị này, việc kiểm tra toàn diện Con Cưng sẽ tiếp tục, theo quyết định số 2611/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ký ngày 24/7.
Sự việc khách hàng tố Con Cưng cắt mác cũ, thay mác Thái Lan vào sản phẩm là sự việc mở đầu cho chuỗi khủng hoảng của doanh nghiệp này trong suốt thời gian qua. Đây không phải lần đầu Con Cưng dính "phốt".
Hồi tháng 9/2016, báo Pháp luật Việt Nam có đăng tải thông tin, khách hàng ở TP HCM khiếu nại Con Cưng bán hàng kém chất lượng, chậm chạp và đùn đẩy trách nhiệm bảo hành sản phẩm bình vắt sữa bằng tay hiệu Papa, máy xay cầm tay hiệu BRAUN.
Theo Hoàng Linh (Nhịp Sống Kinh Tế)