Theo tài liệu vừa được tiết lộ từ Ngân hàng State Street của Mỹ, từ năm 2001 đến năm 2016, một mạng lưới bí mật gồm 10 công ty nước ngoài đã đổ 1,3 tỉ USD vào các công ty đầu tư và quỹ đầu tư của Mỹ. Đó là các công ty nước ngoài ở quần đảo Virgin thuộc Anh và Cộng hòa Cyprus. Ngân hàng State Street cho biết số tiền này rất khó theo dõi.
Với thông tin lấy được từ hồ sơ ngân hàng bí mật, các nhà điều tra tại State Street, một trong những ngân hàng lâu đời nhất của Mỹ, tình cờ phát hiện ra danh tính của nhà đầu tư bí ẩn: tỉ phú người Nga Roman Abramovich.
Trang BuzzFeed News đưa tin Ngân hàng State Street đã báo cáo mạng lưới đầu tư của tỉ phú Roman Abramovich trong loạt "báo cáo hoạt động đáng ngờ" cho Bộ Tài chính Mỹ vào năm 2015 và 2016. Hồ sơ chỉ ra rằng ông Abramovich hực hiện "nhiều khoản thanh toán đáng kể bằng tiền mặt" ở Nga nhờ "sự bảo trợ và ảnh hưởng chính trị".
Ngân hàng State Street cũng cho hay các công ty nắm giữ 1,3 tỉ USD nêu trên thường xuyên thay đổi cấu trúc doanh nghiệp. Phía State Street cho rằng có thể đó là nỗ lực "che giấu quyền sở hữu".
Trong quá trình điều tra, các điều tra viên của ngân hàng phát hiện công ty thuộc sở hữu của ông Abramovich, có tên là Netherfield, đã tham gia vào một thỏa thuận huy động 50 triệu USD cho một công ty do Igor Shuvalov - người thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin – quản lý. Netherfield đóng cửa sau khi thỏa thuận được công khai và các khoản đầu tư được chuyển sang một công ty khác có trụ sở tại Quần đảo Virgin.
6 năm sau đó, chính phủ Mỹ không có hành động nào chống lại tỉ phú người Nga và cuộc điều tra của ngân hàng State Street được giữ bí mật.
Số tiền tỉ phú Roman Abramovich đầu tư chưa bao giờ được tiết lộ công khai. Cuộc điều tra của Ngân hàng State Street cho thấy ông đầu tư tới 10% tài sản ước tính của mình vào các quỹ do các nhà tài chính Mỹ quản lý. Đại diện của Abramovich chưa trả lời BuzzFeed News về thông tin này.
Từ khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biết ở Ukraine hồi tháng 2, chính phủ các nước phương Tây bắt đầu "soi" các nhà tài phiệt có quan hệ với Điện Kremlin. Tuần trước, Anh đóng băng tài sản của ông Abramovich ở nước này vì "mối quan hệ thân thiết" với Tổng thống Putin và cáo buộc cung cấp thép để chế tạo xe tăng Nga.
Mỹ chưa có bất kỳ động thái nào nhắm vào ông Roman Abramovich nhưng điều đó có thể sớm thay đổi, một quan chức Mỹ nói với BuzzFeed News. Cũng theo quan chức này, ông Roman Abramovich đang trong tầm ngắm của một lực lượng đặc nhiệm mới do Bộ Tư pháp đứng đầu có tên là KleptoCapture, nhóm thực thi các hạn chế kinh tế đối với Nga và các tỉ phú nước này.
Ông Roman Abramovich từ lâu đã trở thành đối tượng gây tranh cãi. Những năm 1990, ông kiếm được hàng tỉ USD từ các công ty năng lượng nhà nước với giá rẻ khi chúng được tư nhân hóa. Thế nhưng, điều đó không ngăn cản ông nhận được sự chào đón ở phương Tây - đặc biệt là ở Anh. Đầu những năm 2000, ông mua câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ở châu Âu, ông sở hữu nhiều bất động sản, bao gồm một dinh thự từng là nơi ở của Vua Edward.
Theo Huệ Bình (Nld.com.vn)