Ông Hà Văn Thắm vướng vòng lao lý, Ocean Group long đong thay tướng và vẫn chưa thấy "ánh sáng cuối đường hầm".
Long đong thay tướng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group - OGC) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tâm giữ chức vụ Tổng Giám đốc điều hành công ty. Ông Tâm ngồi "ghế nóng" thay ông Lê Huy Giang. Trước đó, vào ngày 15/6, Ocean Group đã miến nhiệm chức danh Tổng giám đốc của ông Lê Huy Giang. Ông Nguyễn Hữu Tâm sinh năm 1971 được bổ nhiệm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ra quyết nghị.
Có thể thấy, sau khi ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ocean Group bị khởi tố, Ocean Group khá long đong vì liên tục thay tướng. Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Quang Thụ được phân công đảm nhiệm các công việc của Chủ tịch trong 9 tháng.
Ông Hà Văn Thắm có thời lừng lẫy cùng Ocean Group. |
Hồi cuối tháng 7/2015, Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ocean Group miễn nhiệm tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị với ông Hà Văn Thắm. Đã có ứng cử viên được đề cử thay ông Thắm tuy nhiên ứng viên này đã thất bại vì không đủ phiếu bầu.
Dù hiện tại ai là sếp lớn của Ocean Group thì thương hiệu Ocean Group vẫn gắn liền với tên tuổi Hà Văn Thắm. Cổ phiếu OGC của Ocean Group chào sàn ngày 4/5/2010 với giá 30.000 đồng/CP. Thời điểm đó, Ocean Group có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng.
Khi mới xuất hiện, OGC nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư và được xếp vào hàng blue-chips. Với những dự án được "hot" như dự án VNT Nguyễn Trãi, dự án Starcity Lê Văn Lương, dự án Khu công nghiệp Minh Đức, dự án Starcity Center,... Ocean Group nhanh chóng đưa tên tuổi Hà Văn Thắm lên tầm cao mới.
Với việc sở hữu tỷ lệ lớn vốn tại Ocean Group, Hà Văn Thắm lọt vào danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Có thời điểm, tài sản của Hà Văn Thắm lên tới hàng ngàn tỷ đồng và ông nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán với những đại gia như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức,...
Kinh doanh thụt lùi
Thế nhưng, sau khi Hà Văn Thắm bị khởi tố, danh tiếng của Ocean Group cũng rơi rụng theo. Cùng với việc không ổn định nhân sự cấp cao, lợi nhuận của Ocean Group lao dốc. Năm 2014, Ocean Group đã nếm mùi thua lỗ khi khoản lỗ lên tới 2.548 tỷ đồng. Đây thực sự là cú sốc lớn với nhà đầu tư.
Tin xấu dồn dập đến với Ocean Group. Một thời gian sau khi Hà Văn Thắm bị bắt, ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Ocean Bank), trụ đỡ quan trọng của Ocean Group bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.
Dù vậy, kết quả kinh doanh năm 2015 có nhiều tiến bộ của Ocean Group cũng khiến cổ đông le lói chút hy vọng. Lợi nhuận sau thuế 2015 của tập đoàn tăng vọt lên 681 tỷ đồng. Nhưng Ocean Group cũng chỉ làm được có vậy, tới năm 2016, Ocean Group tiếp tục đi lùi và thua lỗ 794 tỷ đồng.
2017 vẫn chưa là năm may mắn của Ocean Group. Trong quý 1, công ty lãi vỏn vẹn 8,4 tỷ đồng. Quý 2/2017, Ocean Group khiến cổ đông sốc hơn khi công bố khoản thua lỗ lên tới gần 300 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 2, lỗ lũy kế của Ocean Group đã đạt 2.762 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty hao hụt, giảm xuống chỉ còn hơn 900 tỷ đồng.
Nợ nần đang là một trong những gánh nặng của Ocean Group. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017, tại thời điểm cuối kỳ, nợ phải trả của công ty là 4.823 tỷ đồng, cao gấp 5,4 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 84% tổng nguồn vốn.
Trong đó, nợ vay ngân hàng là 1.362 tỷ đồng. Gánh khoản nợ này nên Ocean Group gặp áp lực về chi phí lãi vay. Trong quý 2, Ocean Group phải chi 44,5 tỷ đồng trả lãi ngân hàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Ocean Group lỗ khủng.
Cùng với gánh nặng nợ nần, doanh thu không có nhiều cải thiện cũng khiến Ocean Group đi lùi. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Ocean Group chỉ đạt hơn 215 tỷ đồng trong quý 2. Trong khi đó, doanh thu các đối thủ cùng quy mô phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Vì thua lỗ nặng, cổ phiếu OGC bị đưa vào diện kiểm soát. Giá cổ phiếu OGC rơi xuống mức rất thấp, thấp hơn mệnh giá rất nhiều. Đóng cửa phiên giao dịch 3/10, OGC giảm sàn và dừng ở mức 2.330 đồng/CP.
Theo Châu Anh (VTC.vn)