Chiều mùng 9 tháng hai âm lịch, tại hệ thống Bảo tín Minh Châu, quầy thanh toán, tư vấn đông kín khách. Cơn sốt mua vàng ngày Thần Tài dường như đến sớm hơn thường lệ. Các sản phẩm được quan tâm nhiều hơn là đĩnh vàng tài lộc, vỉ kim dần, vỉ thần tài, nhẫn tròn trơn,… Các sản phẩm chế tác riêng cho ngày Thần Tài chủ yếu có bản vị từ 1 chỉ, chế tác hình hổ, túi lộc, thỏi vàng, chữ may mắn. Để đảm bảo phòng dịch, hệ thống cửa hàng này đã phun khử khuẩn toàn bộ cơ sở trong ngày trước đó.
Chuẩn bị cho hôm nay (mùng 10/1 Âm lịch) - ngày vía Thần Tài, các doanh nghiệp đã lên nhiều phương án, sản phẩm cung ứng ra thị trường, tăng giờ mở cửa, mở rộng kênh bán hàng trực tuyến.
Từ 8/2 đến 14/2/2022, Cty vàng bạc đá quý FLC (FJC) mở cửa sớm 1 tiếng 30 phút và đóng cửa muộn 2 tiếng so với ngày thường (hoạt động từ 7g30 đến 20g30). Đại diện doanh nghiệp cho biết, tổng đài chăm sóc khách hàng liên tục nhận hàng trăm cuộc gọi tư vấn và đặt hàng mỗi ngày. Đáng chú ý, FJC cũng ghi nhận những đơn hàng lớn trị giá hàng chục tỷ đồng với chính sách thanh toán trước. Sản phẩm từ 0,5 - 1 chỉ được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhờ tính thẩm mỹ cao (chế tác hình túi lộc, linh vật năm Nhâm Dần) và mức giá hợp lý.
Sau ngày vía Thần Tài 2021 ghi nhận hơn 3.000 giao dịch trên ứng dụng eGold, năm nay Doji tiếp tục phát triển mảng bán hàng online. Sau khi mua vàng, nếu khách hàng không có nhu cầu giữ hộ vàng trên tài khoản eGold, có thể đăng ký rút vàng tại các địa điểm giao dịch của DOJI ở các thành phố lớn.
Đại diện hệ thống Doji cho biết, đáng chú ý, năm nay, truyền thống mua vàng cầu may cũng được nhiều bạn trẻ đón nhận. Tuy nhiên, quan điểm và lựa chọn có nhiều sự mới lạ. Thay vì lựa chọn các sản phẩm có giá trị cao như vàng ép vỉ, tranh vàng, tượng vàng đúc nguyên khối…, nhiều người đã lựa chọn các món trang sức vàng, với mức giá hợp lý để hoàn thành ước nguyện cầu tài lộc đầu năm của mình. Một lý do các sản phẩm này hút khách là bởi mức giá vô cùng hợp lý với túi tiền của khách hàng trẻ, chỉ từ 1,5 triệu đồng/ sản phẩm. Mức giá cao hơn chút so với trang sức bạc.
Nên mua hay bán vàng trong ngày vía Thần Tài?
Trước ngày vía Thần Tài năm nay, giá vàng trong nước liên tục biến động mạnh. Từ chỗ lập đỉnh trên 63 triệu đồng/lượng (7/2), cuối giờ chiều 9/2, vàng SJC chiều bán ra chỉ còn 62,15 triệu đồng/lượng. Qua 2 ngày, với mức giảm khoảng 1 triệu đồng/lượng và chênh lệch mua vào - bán ra neo cao, người mua vàng sớm dịp Thần Tài lỗ ngay 2 triệu đồng/lượng.
“Theo kinh nghiệm đầu tư vàng và làm chủ sàn vàng (VTG) của tôi thì rất hiếm ai dự đoán đúng giá vàng. Tôi đã từng nói, viết câu này, mấy năm rồi và đến nay nó vẫn luôn đúng: “Giá vàng diễn biến rất khó lường. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ lên mạnh. Khi mà không ai ngờ nhất, nó sẽ xuống mạnh” - Chuyên gia Lâm Minh Chánh
Qua nhiều năm, giá vàng thường tăng cao vào ngày Thần Tài, khiến nhiều người e ngại, phân vân quyết định mua - bán. Để tối ưu lợi nhuận, nhà đầu tư băn khoăn, có nên bán vàng ngày vía Thần Tài và mua lại trước/sau đó khi giá thấp hơn. Nhận định vấn đề này, chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh (Giám đốc Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni) cho rằng, cách làm này về lý thuyết có vẻ rất hợp lý, nhưng vẫn tồn tại 2 rủi ro. Thứ nhất, chênh lệch giá mua - bán quá cao sẽ giảm rất nhiều lợi nhuận.
Thứ hai, những năm gần đây, giá vàng Việt Nam thường thấp trong thời gian trước và sau ngày vía Thần Tài. Tuy nhiên, nếu giá vàng thế giới có "sóng lớn" ngược lại trong thời gian đó, thì quy luật này có thể không còn đúng.
Ông Chánh khuyến nghị, người dân không nên mua vàng trong ngày Thần Tài với mong muốn kiếm lợi nhuận từ đó. Lý do, giá vàng trong nước, chênh lệnh mua vào - bán ra thường bị đẩy lên quá cao trong những ngày này.
“Chênh giữa giá mua và giá bán của vàng Việt Nam quá lớn so với thế giới. Mức chênh này của giá vàng thế giới chỉ từ 0,05%-0,2% trong khi tại Việt Nam thông thường từ 1%-2%. Những lúc biến động, sự chênh lệch này giãn ra 3%-4%, thậm chí cao hơn”, ông Chánh phân tích.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)