'Mẹ đẻ' món cá lóc nướng cúng Thần Tài, ngày bán 5.000 con thu 750 triệu

10/02/2022 07:00:01

Bà Cúc Bụi đã bán cá lóc trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý (TP.HCM) từ năm 1990. Bà chính là người đầu tiên mở bán món cá lóc nướng cúng Thần Tài trứ danh tại đây.

Cận ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), dọc đoạn phố Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), từ khúc giao đường Lê Trọng Tấn tới đường Trường Chinh, người dân ai nấy đi qua đều thấy dậy mùi thơm của món cá lóc nướng trứ danh nơi đây. Mùi thơm đến từ các bếp than nướng cá nghi ngút khói, bán không xuể phục vụ cúng Thần Tài.

Thuê 100 nhân công, bán 5.000 con cá lóc nướng một ngày

Bà Cúc (quận Tân Phú), hay vẫn được biết đến với cái tên Cúc Bụi, bán cá lóc trên trục đường Tân Kỳ Tân Quý từ năm 1990. Đây chính là người đầu tiên mở bán món cá lóc nướng nổi tiếng trên dãy phố này. Từ đó, nhiều tiệm khác mọc lên theo.

Năm 2021, tiệm cá nướng của bà bán được tới 5.000 con chỉ trong ngày mùng 10 tháng Giêng. Nếu tính trung bình giá 150.000 đồng/con thì doanh thu lên tới 750 triệu đồng.

'Mẹ đẻ' món cá lóc nướng cúng Thần Tài, ngày bán 5.000 con thu 750 triệu
Bà Cúc Bụi, người mang món cá lóc nướng nổi tiếng về đường Tân Kỳ Tân Quý (ảnh: Trần Chung)
'Mẹ đẻ' món cá lóc nướng cúng Thần Tài, ngày bán 5.000 con thu 750 triệu - 1
Cá lóc nướng là đồ ăn được người dân TP.HCM đặc biệt ưa chuộng cho việc cúng ngày vía Thần Tài (ảnh: Trần Chung)

Để kịp phục vụ khách mua cá nướng về cúng, bà chủ phải thuê khoảng 100 nhân viên phục vụ làm cá cũng như nướng cá. 10 bếp than hồng, mỗi bếp 10 con một lúc, nướng liên tục mới đáp ứng được nhu cầu của khách.

“Riêng ngày vía Thần Tài, khách không đến từ từ mà dồn vào mua cùng một lúc nên nếu không chuẩn bị cá, không có nhiều người làm thì không thể phục vụ kịp. Có người xếp hàng mua cá cúng từ 3-4h sáng”, bà Cúc nói.

Do là người đầu tiên bán cá ở đường Tân Kỳ Tân Quý, cũng là đầu tiên của TP nên năm đầu, quán chỉ bán được hơn 100 con. Khi đó, người dân chưa hiểu rõ tâm linh cúng. Sau này, số lượng cá tăng dần qua các năm. Tiệm còn cung cấp cá lóc nướng đóng thùng xốp chuyển máy bay ra Đà Nẵng, Hà Nội, thậm chí từng có khách đặt hàng chục con sang Nhật Bản.

Đối với ngày thường, quán bán được từ có 50-60 con cá nướng. Các ngày Thứ Bảy, Chủ nhật hoặc ngày lễ thì lượng bán ra gấp 2 đến 3 lần.

Hiện, giá cá của tiệm từ 140.000-200.000 đồng/con tùy kích cỡ. Giá đã bao gồm bún, bánh tráng, rau sống ăn kèm và mắm nêm. Trung bình, thời gian nướng nếu nhanh là khoảng 20 phút/con, còn không thì 30 phút/con. Cá trước khi nướng được moi sạch ruột, xiên sả và mía qua miệng cá vào thân rồi đặt lên bếp. Sả giúp làm thơm cá và nước mía chảy ra trong quá trình nướng làm ngọt cá.

'Mẹ đẻ' món cá lóc nướng cúng Thần Tài, ngày bán 5.000 con thu 750 triệu - 2
Đoạn phố Tân Kỳ Tân Quý có năm còn bị kẹt xe do lượng người đổ đến mua cá cúng Thần Tài quá đông (ảnh: Trần Chung)
'Mẹ đẻ' món cá lóc nướng cúng Thần Tài, ngày bán 5.000 con thu 750 triệu - 3
Người dân đã mua cá lóc nướng từ sớm vì sợ đông người vào đúng ngày mùng 10 tháng Giêng (ảnh: Trần Chung)

Khách mua cá từ 3h sáng, đứng tắc đường

Anh Nguyễn Văn Thảo (Đồng Tháp) cũng đã bán cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý từ hơn 10 năm nay. Gia đình không chỉ bán tại một điểm, mà còn mở thêm điểm khác.

Ngày vía Thần Tài hàng năm, tiệm trung bình bán được gần 3.000 con. Số lượng bán ra nhiều nên tiệm cần 30-40 người phụ việc, chủ yếu là người thân trong gia đình. Tiệm nhập về khoảng 3 tấn cá, mỗi con có trong lượng hơn 1kg. Xe cá từ chợ Bình Điền sẽ đổ hàng về thành nhiều đợt bởi nhà anh không đủ chỗ chứa.

Theo anh Thảo, các tiệm cá sẽ bắt đầu chuẩn bị từ sáng sớm mùng 9 tháng Giêng, bởi ngày mùng 10 lượng người mua rất đông, nhiều năm còn tắc cả đường. Có người mua từ 3-4h sáng, thời gian mua đông nhất tập trung từ 6-9h sáng. Nhiều khách còn đặt hàng sỉ, mua số lượng lớn để bán lại online.

Nguyên tắc mua cá lóc nướng để cúng, người dân sẽ chọn những con cá đẹp, chín nhưng không vỡ, không đứt đuôi, không gãy đầu. Chiều lòng khách ngày vía Thần Tài, tiệm của anh Thảo mở bán từ 3h sáng đến tối. Hết cá thì nghỉ, hoặc không còn sức nướng thì đóng cửa.

Tại sao lại cúng cá lóc ngày vía Thần Tài

Theo bà Cúc, món cá lóc nướng là đặc trưng của người miền Tây, nhưng trước năm 2000, bà biết về món cúng này qua lời kể của cụ bà là người dân tộc H’Mông trong một chuyến đi Lào Cai.

Theo lời người phụ nữ dân tộc trên thuật lại, về ý nghĩa cúng cá lóc, thủa xưa, thần tài trên trời uống rượu say rơi xuống trần gian. Ông rơi xuống ngôi làng vào đúng ngày mùng 10 tháng Giêng.

Thần tài rơi xuống với chiếc áo đẹp, do ngủ quên dưới đất nên bị trẻ em trong làng lấy mất áo. Tỉnh dậy, thần tài xấu hổ nên chui vào ruộng trốn, bắt cá lóc nướng ăn, thấy ngon. Sau đó, thần tài mang món ăn này đổi lại chiếc áo của mình và bay về trời.

Cũng từ khi thần tài rơi xuống thì ngôi làng làm ăn khấm khá hơn, nhân dân mua được vàng tích trữ. Do đó, người dân thường mua cá lóc nướng cúng Thần Tài và mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng.

Ngoài ra, dân gian cho rằng, miệng cá lóc có hình dạng như tỳ hưu, miệng há to như hút của cải vào người. Đó cũng là lý do bà con cúng cá lóc mong tấn tài, tấn lộc trong ngày vía Thần Tài.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

 

Nổi bật