Danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 từ Tạp chí Forbes cho biết Việt Nam có 5 doanh nhân sở hữu khối tài sản ròng trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, bảng xếp hạng cập nhật (Real Time) mới nhất của tạp chí này lại ghi nhận số doanh nhân sở hữu khối tài sản tỷ USD của Việt Nam là 6 người.
Cũng theo thống kê này, 5 tỷ phú trong danh sách 2019 sở hữu khối tài sản lên tới 13,6 tỷ USD, số tiền tương đương với tổng tài sản của một ngân hàng tư nhân cỡ lớn tại Việt Nam như Techcombank, ACB hay SHB…
Hơn chục tỷ USD đến từ đâu?
Giống các tỷ phú thế giới, các tỷ phú Việt cũng sở hữu khối tài sản riêng gồm bất động sản, tiền mặt, vàng bạc... nhưng phần lớn trong số tài sản hàng tỷ USD mà Forbes thống kê là những khoản tiền không thể, hoặc rất khó để sử dụng.
Nguyên nhân bởi phần lớn số này đều là giá trị quy đổi của lượng cổ phiếu các tỷ phú nắm giữ tại doanh nghiệp của mình.
Năm thứ 7 liên tiếp có tên trong danh sách tỷ phú, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup, hiện sở hữu khối tài sản ròng lên tới 7,8 tỷ USD (cập nhật). Và phần lớn trong số này là giá trị của lượng cổ phiếu ông nắm giữ.
Cụ thể, ông Vượng hiện nắm giữ trực tiếp 27,45% vốn tại Vingroup, với thị giá hiện tại gần 118.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu trên có giá trị quy đổi lên tới hơn 103.000 tỷ, chiếm gần 57% tài sản ròng mà Forbesthống kê.
Ngoài ra, ông Vượng còn liên quan tới lượng lớn cổ phần VIC khác thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, cổ đông lớn nhất sở hữu 33,37% vốn Vingroup.
Lượng cổ phần tập đoàn này nắm giữ tại Vingroup có giá trị lên tới 125.000 tỷ đồng. Vì vậy, giá trị lượng cổ phiếu ông Vượng liên quan thực tế lớn hơn rất nhiều tỷ lệ 57%.
Phương pháp thống kê tương tự cũng được áp dụng với nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air. Theo đó, khối tài sản ròng hiện tại bà Thảo sở hữu được ghi nhận ở mức 2,2 tỷ USD.
Trong khi đó, bà Thảo hiện sở hữu trực tiếp 7,3% vốn Vietjet và 3,67% vốn HDBank, tương đương 6.000 tỷ đồng.
Thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (nơi bà sở hữu 100% vốn), nữ doanh nhân này còn liên quan 23,81% vốn Vietjet, tương đương gần 15.600 tỷ.
Bên cạnh đó, bà Thảo cũng đang là cổ đông chi phối sở hữu 52% vốn tại CTCP Sovico. Và Sovico đang nắm 6,32% vốn Vietjet và 13,34% vốn Ngân hàng HDBank.
Tính sở hữu chéo, khối tài sản từ cổ phiếu có liên quan tới bà Thảo cũng lên tới gần 30.000 tỷ đồng, tương đương 59% thống kê của Forbes.
Khoản đầu tư tỷ USD của 2 tỷ phú mới
Những thống kê tương tự cũng cho thấy phần lớn tài sản hai tỷ phú mới của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh đều đến từ cổ phần doanh nghiệp.
Cụ thể, ông Hùng Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Techcombank, nhưng ông chỉ nắm giữ trực tiếp 1,12% vốn nhà băng, tương đương hơn 1.000 tỷ giá trị thị trường.
Tuy nhiên, thông qua những người thân (không tham gia điều hành), ông Hùng Anh có liên quan tới 16% vốn khác tại Techcombank. Giá thị trường hiện tại của lượng cổ phiếu này cũng tương đương gần 15.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hùng Anh còn được cho là người sở hữu 47,56% cổ phần tại CTCP Masan, nơi ông là Phó chủ tịch. Và CTCP Masan là cổ đông sở hữu gần 45% vốn tại Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan, doanh nghiệp có vốn hóa gần 105.000 tỷ đồng.
Tính cả lượng sở hữu có liên quan này, lượng cổ phần ông Hùng Anh sở hữu tại các doanh nghiệp vào khoảng 36.000 tỷ đồng, chiếm gần 90% tài sản ròng mà Forbes thống kê.
Tương tự, dù ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn MaSan, chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN, với giá trị vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng. Nhưng cũng thông qua khoản đầu tư hơn 48% vốn tại CTCP Masan, ông Quang được xem là cổ đông chính đằng sau MaSan.
Ngoài ra, cá nhân ông cũng nắm giữ khoảng 9,5 triệu cổ phiếu Techcombank, tương đương 252 tỷ đồng, và đại diện cho MaSan sở hữu 524,3 triệu cổ phiếu nhà băng này, với giá trị gần 14.000 tỷ đồng.
Trước Forbes, ông Quang cũng từng được Bloomberg Billionaires Indexghi nhận có tài sản đạt 1,2 tỷ USD và là tỷ phú USD thứ ba của Việt Nam được hãng tin này công nhận.
1,7 tỷ USD của ông Trần Bá Dương tính thế nào?
Với trường hợp của ông Trần Bá Dương và gia đình tại Thaco, hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ lên tới 16.580 tỷ đồng, tương đương 1,658 tỷ cổ phiếu lưu hành.
Hiện cổ phiếu của Thaco được giao dịch trên sàn OTC với giá xấp xỉ 75.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt 124.000 tỷ.
Trong đó, ông Dương cùng vợ là bà Viên Diệu Hoa và công ty của gia đình là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Trân Oanh là nhóm cổ đông lớn nhất sở hữu 65% vốn.
Như vậy, khối tài sản của gia đình ông Dương nắm giữ tính theo giá thị trường hiện nay lên tới trên 80.000 tỷ.
Tuy nhiên, Forbes chỉ thống kê tổng tài sản ròng của gia đình ông vào khoảng 1,7 tỷ USD, thấp hơn nhiều con số 80.000 tỷ.
Tạp chí này từng cho biết để tính toán được số tài sản của những tỷ phú chưa niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp, họ phải dùng tới phương pháp so sánh tương quan, thường là P/E để tính giá trị cổ phần so với các doanh nghiệp tương tự cùng ngành nghề đã niêm yết.
Bên cạnh đó, Forbes cũng cho biết thông thường khối tài sản sẽ được tính toán và ước lượng của từng ứng viên. Tuy nhiên, nếu tài sản của các thành viên trong gia đình hoặc bên liên quan có quan hệ chặt chẽ đến nhau thì hãng sẽ gộp tổng cộng tài sản của những người này, và để dưới dạng "& family" (và gia đình).
Đây chính là phương pháp để tạp chí này định giá khối tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)