Hàng quán tìm cách mở cửa trở lại

13/10/2021 10:14:33

Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội đã được nới lỏng, nhưng trái ngược với cảnh nhộn nhịp thường thấy, hàng loạt cửa hàng dọc các tuyến phố lớn cũng như trong khu phố cổ vẫn “đóng băng”, treo biển sang nhượng hoặc cho thuê.

Từ đầu tháng 10, nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán tại Hà Nội đã được nới lỏng, nhưng trái ngược với cảnh nhộn nhịp thường thấy, hàng loạt cửa hàng dọc các tuyến phố lớn cũng như trong khu phố cổ vẫn “đóng băng”, treo biển sang nhượng hoặc cho thuê.

Mở cửa sợ lỗ

Có thể cảm nhận một bầu không khí kinh doanh trầm lắng lạ thường tại những nơi vốn sầm uất bậc nhất Thủ đô. La liệt những tấm biển có nội dung “Trả mặt bằng, sale 50% toàn bộ cửa hàng”; “Cho thuê cửa hàng”; “Sang nhượng cửa hàng”… dọc các con phố.

Không khó để tìm một mặt bằng, cửa hàng cho thuê tại khu phố cổ Hà Nội. Cứ cách vài nhà lại thấy một mặt bằng treo biển cho thuê. Mức giá cho thuê theo ghi nhận đã giảm đáng kể so với trước dịch nhưng chủ nhà “mỏi mắt” vẫn không tìm được khách. Nhiều địa điểm trước đây được coi là đắc địa, nay cũng đìu hiu, ế ẩm.

Tương tự trên các tuyến phố như: Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Trung Hòa, Tôn Đức Thắng, Kim Mã và nhiều tuyến phố khác, hàng loạt mặt bằng kinh doanh đang phải treo biển cho thuê khi hết hợp đồng, thậm chí có những cửa hàng, chủ nhà treo biển cho thuê suốt từ đầu năm đến nay vẫn chưa tìm được khách.

Hàng quán tìm cách mở cửa trở lại
Nhiều cửa hàng ở Hà Nội vẫn đóng cửa dù được nới lỏng. Ảnh: Hải Nguyễn

Anh Nguyễn Đình Quyết (34 tuổi, ở Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) mở quán cơm văn phòng chưa được bao lâu thì gặp đúng đợt dịch nên đành đóng cửa. Cho đến nay, mấy tháng không có doanh thu nhưng anh Quyết vẫn phải gồng mình đóng tiền trả mặt bằng. Anh Quyết chia sẻ, đầu tháng 10, khi Hà Nội nới lỏng, hàng quán được mở bán về nhưng anh vẫn chưa dám hoạt động trở lại. “Lượng khách văn phòng đặt cơm rất phập phù, nếu mở ra mà không có khách mua thì lại ế và lỗ thêm. Trong khi đó, để mở cửa trở lại phải tốn rất nhiều chi phí, thời gian” - anh Quyết nói.  

Tương tự, ông Vũ Quang chủ quán phở gà trên đường Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm) cho biết, khi hay tin thành phố cho phép hàng quán được mở cửa bán mang về, anh Quang cảm thấy rất mừng vì có thể hoạt động lại sau khoảng 2 tháng phải đóng cửa để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại những người kinh doanh nhỏ lẻ như anh Quang sẽ phải tính toán rất kỹ, trong đó, bên cạnh việc đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch, thì phải cân đối làm sao hàng làm ra sẽ được tiêu thụ hết nếu không sẽ phải chịu lỗ thêm.

“Vấn đề lo nhất là làm sao đảm bảo được lượng khách hàng khi mở cửa trở lại, tiếp theo đó là việc đảm bảo có được các shiper kịp thời không. Thực tế cho thấy, khi mua hàng ăn nấu sẵn như bún, phở, thịt gà, thịt vịt… khách hàng thường muốn được phục vụ nhanh chóng, kịp thời. Do đó, nếu ship đồ không kịp khách sẽ không mặn mà đặt món nữa. Vì thế, mở cửa hàng trở lại và duy trì thời điểm này là rất khó khăn” - anh Quang chia sẻ.

Chị Tâm, một chủ cửa hàng bán cơm bình dân tại phố Trần Bình, phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) cho biết, trước thời điểm dịch, quán cơm gia đình chị trung bình một ngày bán gần 100 suất cơm, nhưng giờ người lao động nghỉ việc nhiều, lượng bán ra ít, trong khi đó giá thực phẩm lại rất cao. Vì thế, nếu mở bán không khéo sẽ thua lỗ.

“Giờ thuê mặt bằng lại mà chỉ bán mang đi thì chắc chắn lỗ. Việc nấu bán tại nhà, tôi cũng chỉ mới cân nhắc, vì giá nguyên liệu đang quá cao mà khó kiếm đủ. Bán một suất cơm hay một bát  bún chỉ 25.000-35.000 đồng/suất, nhưng người ta mua mang về cộng tiền ship vào giá lại tăng lên 40.000-50.000đồng/suất, thời điểm khó khăn này liệu được bao nhiêu người đặt cơm mang về. Vì thế, tôi vẫn chưa mở quán bán lại” - chị Tâm cho hay.

Khi nào phục hồi?

Thực tế, cách đây vài năm, khu vực trung tâm Hà Nội thường có mức giá thuê cao ngất ngưởng. Một người môi giới cho thuê nhà lý giải, tùy theo khu vừa thì sẽ có giá cho thuê khác nhau, càng gần về trung tâm giá càng cao. Diện tích chỉ 15-20m2 nhưng giá cho thuê có thể gần cả trăm triệu đồng nếu như mặt tiền đẹp. Khách Tây ở đây khá nhiều, tối nào cũng nhộn nhịp đặc biệt cuối tuần. Cho nên dù giá thuê có cao ngất ngưởng thì người thuê vẫn cắn răng chịu đựng.

Đó là chưa kể, khách thuê lúc nào cũng nơm nớp lo sợ chủ nhà đột nhiên đòi tăng giá cho thuê. Nguyên nhân một phần cũng bởi mặt bằng cho thuê trung tâm có hạn, mà người đi thuê thì nhiều. Muốn tìm được một tấm bảng “cho thuê mặt bằng” rất hiếm, bởi các cửa hàng đã chật cứng, san sát nhau. Người thuê chỉ được quyền chọn thuê hay không chứ không trả giá.

Và giờ thì mọi chuyện khác hẳn, đây là thời điểm để những người kinh doanh lựa chọn địa điểm tốt, vừa ý mà giá lại giảm. Mặt bằng giá mới sẽ thiết lập theo hướng có lợi cho người thuê. Ở một góc nhìn khác, có thể thấy, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến bất động sản cho thuê ế ẩm đã diễn ra cả năm nay. Một phần nguyên nhân được xác định nữa là do dịch bệnh càng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Rất nhiều người kinh doanh đã chuyển sang bán hàng online và trả mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích chạy quảng cáo, thu hút khách hàng.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - ông Nguyễn Thế Điệp - nhận định, dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại. Việc chủ đầu tư, chủ mặt bằng cho thuê giảm giá nhưng chưa thể cứu vãn được tình thế.

“Vì vậy, mức độ phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế” - ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - dự báo.

Theo Cao Nguyên (Lao Động)

Nổi bật