Đổ xô mua nước cốt phở bò
Phở bò là món ăn quen thuộc, được nhiều người yêu thích, đặc biệt là tại Hà Nội. Tuy nhiên, do dịch bệnh, người dân phải hạn chế đi lại, hàng quán phải đóng cửa, một số nơi chỉ bán mang về khiến nhiều người mong được thưởng thức một bát phở bò nóng hổi.
Trong khi, tự nấu phở bò mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự kỳ công và khó có thể chuẩn vị như nhà hàng. Đặt mua mang về những ngày này, phí ship lại khá đắt đỏ, về đến nơi phở không còn nóng, nhất là buổi sáng càng khó đặt.
Song gần đây, trên thị trường xuất hiện loại nước cốt phở bò có giá siêu rẻ, chỉ từ 38.000-55.000 đồng/gói có thể nấu cho 5-6 người ăn, vừa nhanh gọn lại tiện lợi, không mất thời gian ninh xương, chế biến cầu kỳ, được chị em nội trợ truyền tai nhau mua về nấu ăn cho cả nhà.
Theo các đầu mối, mỗi ngày họ đổ sỉ và lẻ lên đến hàng trăm gói, thậm chí nấu không kịp mà bán. Nhiều hôm “cháy hàng”, khách phải đợi đến hôm sau.
Vừa nấu xong 5 bát phở bò cho bữa sáng, chị Bùi Thị Quỳnh Phương ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Chỉ mất khoảng 15 phút là có bát phở bò nóng hổi ăn tại nhà”.
Chị Phương chia sẻ, phở bò là món khoái khẩu của nhà chị. Thường thì, một tuần 3-4 lần cả nhà ra quán phở quen gần nhà ăn sáng. Thậm chí, dịp cuối tuần, mọi người còn kéo nhau đến những quán phở nổi tiếng ở Hà Nội để thưởng thức. Từ khi thành phổ giãn cách theo Chỉ thị 15, hàng quán đóng cửa chỉ bán mang về, chị có đặt mua ăn nhưng thời gian vận chuyển khai lâu, phở ship về nhà lại không ngon như ngồi ăn ngoài hàng.
“Nhiều gia đình có thể tự nấu phở, nhưng nấu ăn không phải là sở trường của tôi. Để có nồi nước dùng phở chuẩn vị, công đoạn ninh xương mất quá nhiều thời gian”, chị nói. Đúng lúc cả nhà đang thèm, chị thấy trên “chợ mạng” có bán nước cốt phở bò nên mua về nấu thử.
Giá của gói nước cốt phở chỉ 45.000 đồng, về bỏ vào nồi, thêm nước rồi đun sôi là xong. Bánh phở tươi thì bán đầy nên chị chỉ việc chuẩn bị rau thơm, thịt bò là có bát phở ngon, chị cho hay.
Nước cốt phở khá tiện lợi, song chị Phương nhận xét, so với nước dùng tự nấu hoặc ăn trực tiếp ở những quán phở gia truyền uy tín thì không tươi ngon, ngọt và đầy đủ gia vị bằng.
Sau vài lần đặt mua nước cốt phở về nấu cho gia đình ăn, chị Lê Khanh ở Tông Đản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có cảm nhận, để chuẩn vị phở như ăn ở hàng thì không có, nhưng đổi lại là khá tiện, chế biến nhanh. Buổi sáng chỉ cần 15 phút đứng bếp là xong vài bát phở.
Tuy nhiên, chị Khanh cũng e ngại, nước cốt được đóng vào túi nilon không nhãn mác, không ghi rõ thành phần, người bán chỉ nói bảo quản trong ngăn cấp đông tủ lạnh được 2 tháng. Thế nên, chị vẫn hơi đắn đo về chất lượng của chúng.
Từ chối bớt khách vì quá tải
Chị Trần Thùy Linh - một đầu mối bán nước cốt phở bò ở Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) - cho biết, chị mới bán nước cốt phở khoảng 2 tháng nay. Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, lượng khách mua phở mang về giảm đáng kể.
Để cải thiện tình hình, chị bán loại nước cốt phở bò handmade này với hy vọng tăng doanh thu mùa dịch.
Ban đầu, lượng nước cốt phở bò đóng túi bán ra khá khiêm tối, bởi nhiều người chưa biết tới. Gần đây, chị khá bất ngờ vì lượng người mua tăng chóng mặt, hàng nấu ngày nào bán hết sạch ngày đó.
Theo chị Linh, nước cốt này chị ninh từ xương bò rất cầu kỳ, mất 7 tiếng mới xong. Để nước cốt nguội chị mới đóng vào túi, bảo quản thùng mát chuyển đi cho khách luôn. Cách một ngày, chị lại nấu một nồi khoảng 100 lít nước cốt (đóng được 500-600 gói). Khách đặt đến đâu chị mới nấu đến đó nên hầu như không có sẵn, phải đặt trước 1 ngày mới chuẩn bị kịp.
“Hiện tôi bán lẻ 45.000 đồng/gói, ship từ 2 gói trở lên. Tôi còn đổ sỉ từ 25 gói cho các siêu thị mini, đầu mối buôn với giá 38.000 đồng/gói. Mỗi lần họ lấy từ 50-100 gói”, chị khoe.
Nhiều chị em lần đầu ăn thử thì mua 2 gói, người ăn quen thấy ngon mua 5 gói một lúc để tủ lạnh ăn dần. Do vậy, dịp này chị bán rất đắt hàng, có hôm phải từ chối bớt khách, hẹn đến hôm sau.
Tương tự, chị Thu Hương - đầu mối chuyên bán đồ ăn online ở Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) - cho hay, đây là năm đầu tiên chị bán nước cốt phở, rất tiện lợi và thích hợp cho những người nghiện món ăn truyền thống này, nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Chị Hương quảng cáo, để làm nước cốt, chị phải ninh xương kèm theo các loại gia vị như: hồi, quế, thảo quả,... mất rất nhiều thời gian. Cứ một gói nước cốt pha với 2 lít nước đun sôi rồi cho bánh phở, thịt bò, rau thơm là được 5-6 bát, cả nhà ăn thoải mái mà giá khá rẻ. Loại nước cốt này để ngăn mát tủ lạnh được 2 tháng, ngăn đông 6 tháng nên được nhiều bà nội trợ lựa chọn.
Hiện mỗi ngày, chị Hương bán hết 300-400 gói cốt phở bò. Do dịch bệnh chưa biết bao giờ mới hết nên chị xác định kinh doanh mặt hàng này lâu dài.
“Thời gian tới, có thể tôi sẽ bán theo combo kèm theo phở, bún, rau thơm để khách hàng mua về chỉ việc đun lại ăn, không mất công mua thêm nữa”, chị cho hay.
Theo Nhật Thanh (VietNamNet)