Dù UBND TPHCM đã có văn bản khẩn số 2994/UBND-ĐT cho phép mở lại loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống qua đặt hàng online và bán mang đi, nhưng trên thực tế các hàng quán hầu hết vẫn tiếp tục đóng cửa.
Người bán cẩn trọng
Chị Hương chủ quán bún, phở ở quận 7 nhận được thông tin thành phố cho phép hoạt động trở lại bán online mang đi, nhưng vẫn khẳng định chưa thể mở lại ngay.
Theo chị, từ trường hợp Hà Nội trước đây, các hàng quán được mở trở lại nhưng chỉ chừng 10 ngày thì lại phải đóng cửa vì dịch bùng phát phức tạp. Vì thế, chị Hương cho biết cần thận trọng hơn. Bởi nếu mở sớm cũng chưa chắc có khách đặt mua, thậm chí sẽ bị lỗ nhiều hơn, cho nên cứ từ từ thăm dò cho chắc.
Trong khi đó, anh Chiều - chủ quán miến, phở gà nổi tiếng góc đường Mạc Đĩnh Chi - Trần Cao Vân (quận 1, TPHCM) lý giải, quán chưa thể mở lại vì nguồn cung nguyên liệu đầu vào vẫn còn gặp trở ngại do vận chuyển hàng hóa chưa thực sự thông suốt, giá cả hàng hóa còn cao, người làm đã về quê hết để tránh dịch, shipper chưa được hoạt động liên quận…
Nhưng còn một nguyên nhân tác động không nhỏ đó là nhu cầu mua mang về đang rơi vào thấp điểm.
Thạc sĩ Tuyết Mai hoạt động trong lĩnh vực marketing nhận định, hàng quán mở lại bán mang đi thì khách đặt cũng chưa thể nhiều ngay được, sẽ ảnh hưởng đến doanh số và hiệu quả kinh doanh.
Trong thời gian giãn cách, nhà nhà đã tích trữ hầu như đủ thực phẩm, và có nhiều thời gian tìm hiểu học nấu qua mạng, có thể tự nấu được nhiều món, cho nên chưa tới mức cần kíp phải đặt đồ ăn qua online nhằm hạn chế tiếp xúc với shipper, mặt khác phí giao hàng cũng còn bất cập.
Cần thời gian kết nối cung cầu và thói quen trở lại
Dù chưa mở lại ngay quán trong 2 ngày qua nhưng anh Chiều cũng như chị Hương đều bày tỏ sự hoan nghênh trước quyết định cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại bán qua online để mang đi.
Anh Chiều cho biết, việc mở hàng bán lại trong bối cảnh hiện nay cũng phải từng bước. Giai đoạn đầu cần kết nối lại nguồn cung ứng nguyên liệu, chờ thời điểm giá hàng hóa đầu vào giảm xuống. Tuy nhiên, khi đó nếu mở bán thì cũng ở quy mô vừa phải vì nhân công lúc này chỉ có người nhà chứ người làm từ quê chưa vào kịp.
Giai đoạn tiếp theo khi dịch vụ vận chuyển hành khách liên tỉnh đã được phép hoạt động trở lại và người làm từ các tỉnh vào lại TPHCM, cùng với đó công nhân, nhân viên văn phòng có thể cũng được phép đi làm trở lại, shipper được hoạt động liên quận, quán của anh Chiều mới có thể hoạt động trở lại như bình thường trước đây. Thời điểm đó sớm nhất là giữa tháng 9, và muộn có thể phải hết tháng 9.
Thạc sĩ Tuyết Mai cho rằng, mỗi người tại thời điểm này đang có tâm lý chấp nhận điều kiện ăn uống hiện có tại nhà, vả lại nhu cầu cũng ở mức vừa phải chứ không quá cao vì suốt ngày ở trong nhà.
“Khoảng thời gian các hàng quán chưa mở ngay trở lại cũng chính là thời gian tốt để họ thu xếp và chuẩn bị. Còn về phía người tiêu dùng cũng cần một khoảng thời gian để đánh thức nhu cầu và thói quen đặt đồ ăn qua ứng dụng trực tuyến” - thạc sĩ Tuyết Mai cho hay.
Theo Thế Lâm (Lao Động)