Liên quan đến tình trạng xe không dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu quy định chỉ xe nào có thẻ mới được đi vào làn thu phí tự động, xe vi phạm sẽ bị xử phạt.
“Xe nào không dán thẻ phải xếp hàng ở làn thủ công, kể cả ùn tắc cũng không xả trạm đồng thời cần nghiên cứu chế tài xử phạt đối với nhà đầu tư BOT thu phí thủ công ở làn thu phí không dừng,” Bộ trưởng Thể nói.
Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng vào chiều ngày 15/7, nhấn mạnh dự án thu phí tự động không dừng là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ trưởng Thể cho rằng việc thực hiện dự án của các đơn vị đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu do gặp nhiều rủi ro không lường trước như đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2 dự án kéo dài mất hơn 1 năm.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan trong tháng Tám này phải tập trung hoàn thành ký phụ lục hợp đồng giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư BOT; hợp đồng giữa nhà cung cấp dịch vụ với nhà đầu tư BOT.
Liên quan những vướng mắc trong việc triển khai dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ tháo gỡ nguồn vốn theo hướng xin Chính phủ lập dự án thu phí không dừng của VEC và trích doanh thu từ thu phí để thực hiện dự án.
“Việc hoàn thành dự án thu phí tự động không chỉ đem lại lợi ích cho xã hội mà cũng mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ. Khi các trạm thu phí cửa ngõ hoàn thành, phương tiện sử dụng nhiều, doanh thu sẽ tăng. Quyết định 19/2020 của Thủ tướng nêu rõ, đến cuối năm nay, dự án BOT nào không áp dụng thu phí không dừng sẽ dừng thu phí,” người đứng đầu ngành giao thông nói.
Đối với những dự án đang triển khai hoặc sắp hoàn thành đưa vào khai thác, Bộ trưởng gợi ý cũng chỉ lựa chọn một trong hai nhà cung cấp dịch vụ (Công ty trách nhiệm hữu hạn VETC hay Tập đoàn Viettel) để thuận tiện trong việc kết nối.
Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện tại, dự án giai đoạn 1 đã lắp đặt vận hành được 37/44 trạm. Đối với 33 trạm thuộc giai đoạn 2, số trạm đã ký phụ lục hợp đồng BOT là 17 trạm, 10 trạm đã đàm phán thống nhất với nhà đầu tư, 6 trạm hiện đang tiếp tục đàm phán và gỡ các vướng mắc giữa các đơn vị.
Với việc nhà đầu tư giai đoạn 2 là Viettel thành lập được doanh nghiệp dự án, đủ cơ sở đàm phán hợp đồng dịch vụ với nhà đầu tư BOT, đây sẽ là tín hiệu tốt để thu phí không dừng hoàn thành đúng tiến độ.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)