Kết thúc quý 1/2023, Vietjet công bố lãi sau thuế từ hoạt động vận tải hàng không đạt 168 tỷ đồng, lãi hợp nhất sau thuế 173 tỷ đồng. Lĩnh vực chính là vận tải hàng không mang về cho Vietjet doanh thu hơn 12.800 tỷ đồng, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, Vietjet vận chuyển hơn 5,4 triệu lượt khách, trong đó bay quốc tế chỉ chiếm 30% số chuyến hãng này thực hiện nhưng mang về gần 45% tổng doanh thu.
Với Vietnam Airlines kết thúc 3 tháng đầu năm ghi nhận công ty mẹ chỉ còn lỗ 137 tỷ đồng, lỗ hợp nhất còn 37 tỷ đồng (giảm lần lượt 98% và 99% so với cùng kỳ năm trước). Vận tải hàng không mang về cho Vietnam Airlines tổng doanh thu gần 17.700 tỷ đồng (tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, riêng thu từ chở khách tăng gấp 3 lần), lãi hơn 1.525 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, một số chi phí tăng cao (giá nhiên liệu, lãi vay, tỷ giá, chi phí bán hàng...) khiến Vietnam Airlines vẫn âm vốn chủ sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng.
Đại diện Cục Hàng không cũng cho rằng, những dịp cao điểm cơ quan quản lý theo dõi rất sát giá vé máy bay, sẵn sàng xử lý nghiêm hãng hàng không bán vé vượt giá trần quy định. Với giá vé máy bay quốc tế, đại diện nhà chức trách hàng không nêu quan điểm: Mỗi đường bay quốc tế đều có nhiều hãng khai thác, cả hãng Việt Nam và nước ngoài, khách có quyền chọn đi hãng nào thấy giá hợp lý hơn.
Với các hãng khác như Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines dù còn lỗ nhưng đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Một lãnh đạo Vietravel Airlines tiết lộ, hết 3 tháng đầu năm, hãng chưa tới ngưỡng hòa vốn, nhưng số lỗ đã giảm khoảng 45% so với cùng kỳ năm trước và kỳ vọng hết năm nay sẽ đạt ngưỡng hòa vốn.
Trong quý 1 vừa qua, doanh thu tăng cao và lỗ giảm sâu nhờ thị trường khách phục hồi tốt, đặc biệt là khách quốc tế. Trong đó, doanh thu từ bay nội địa tăng hơn 76% và bay quốc tế tăng hơn 618% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại hãng đã khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa và khôi phục lại 90% đường bay quốc tế so với năm 2019 (khi chưa có dịch).
Chia sẻ với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho rằng, hiện các hãng hàng không vẫn cơ bản lỗ. Bay nội địa nhiều nhưng thường chỉ có khách đi từ một đầu, càng bay càng lỗ. Duy nhất đường bay Bắc - Nam hòa vốn hoặc có lãi nhờ khách đông cả 2 chiều. Trong khi đường bay quốc tế tới nay mới hòa vốn. Số liệu kinh doanh quý 1 chưa phản ánh hết bức tranh thực tế, khi có dịp cao điểm Tết, các khoản chi phí lớn như bảo dưỡng máy bay, động cơ chưa tính vào đầu năm. “Năm nay, hàng không hòa vốn được là may”, ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ, lợi nhuận của hàng không Việt Nam đa số đến từ bay quốc tế nhưng hiện tần suất các hãng khai thác mới bằng 40-50% thời điểm năm 2019. Lỗ của hàng không chủ yếu do giá nhiên liệu, lãi suất, chi phí nhân công tăng cao, riêng chi phí thuê máy bay đã tăng khoảng 40% so với trước; tỷ giá biến động mạnh trong khi chi phí của hàng không phần nhiều thanh toán bằng ngoại tệ.
Vé máy bay giá cao ảnh hưởng đến du lịch
Gần đây, một số công ty du lịch cho rằng giá vé máy bay đang quá cao, chiếm 30-50% giá tua, làm ảnh hưởng tới phục hồi của ngành (du lịch) nên đề nghị hàng không giảm giá (vé). Ông Nguyễn Quốc Kỳ đã đưa ra những lý giải cả về phía hàng không lẫn công ty du lịch (ông Kỳ đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings). Theo ông Kỳ, ngoài quen mua vé máy bay vào sát ngày của người dân nên bị giá vé cao, còn có việc các hãng chủ yếu bán vé qua đại lý, công ty du lịch, còn bán vé trực tiếp cho khách chỉ khoảng 20-30% tổng số vé. Số lượng vé bán trực tiếp ít, khi khách đặt tăng, giá vé hiển thị trên các trang bán vé trực tuyến của hãng sẽ bị đẩy lên, trong khi các đại lý thường tìm cách để tối ưu lợi nhuận có được.
Với giá vé máy bay bán cho công ty du lịch, vị Chủ tịch Vietravel Holdings cho rằng, các công ty du lịch đều đặt vé trước và được ưu đãi giá, nhưng đi kèm điều kiện về đặt cọc và thanh toán. Nếu chậm thanh toán sẽ mất tiền cọc và bị hãng hàng không thu hồi vé. “Muốn đặt được nhiều vé giá ưu đãi các công ty du lịch phải có tiền đặt cọc cho hãng bay, như Vietravel, mỗi năm tiền đặt cọc vé máy bay cho khách tua phải trên nghìn tỷ đồng.
Hiện tại, các công ty lữ hành đều thiếu vốn, không tiếp cận được nguồn tín dụng ngân hàng, ít tiền nên đặt ít vé giá ưu đãi, khi có thêm khách phải mua vé bổ sung với giá đã tăng ở mức cao. Các hãng hàng không cũng khó khăn, thiếu dòng tiền, có quyền hỏi lại “sao phía du lịch muốn mua vé rẻ lại không đặt cọc từ sớm?”. Đây là một vòng luẩn quẩn, nếu nhìn một chiều cũng không sai nhưng thực tế thì chưa đúng, chưa nhìn ra bản chất để giải quyết, khi cả hàng không và du lịch đều thiếu vốn, vậy ai sẽ cứu ai?”, ông Kỳ nói. Để giải quyết câu chuyện trên, ông Kỳ cho rằng, cần vai trò của Nhà nước trong tổ chức thị trường du lịch.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)