Chợ truyền thống "lên ngôi" trong ngày 30 Tết
So với những ngày trước đó, sức mua giảm hẳn trong ngày 30 tết. Tại nhiều siêu thị, khoảng 10h sáng, nhân viên đã nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh quầy kệ để chuẩn bị đóng cửa sau đó 2 tiếng. Nhiều cửa hàng cũng đóng cửa nghỉ. Đến giữa trưa và chiều, lượng người đi mua sắm thưa thớt, hàng hóa trên các quầy kệ đã được tiêu thụ gần hết.
Trong khi đó, sức mua tập trung tại chợ truyền thống, các hàng rau, củ, thịt vẫn đầy ắp hàng tuy nhiên giá tăng cao so với ngày trước.
Giá rau củ ngày 30 Tết ghi nhận tăng chóng mặt như nấm rơm lên 200.000 đồng/kg, đậu cô ve 40.000 đồng/kg, khổ qua 40.000 đồng/kg… tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Nhưng nhiều người vẫn bấm bụng mua cho đủ món chế biến ngày Tết.
Tại chợ Gò Vấp, một số tiểu thương hàng rau, củ của cho biết vẫn bán xuyên Tết, cử người thay phiên trông sạp. Tuy nhiên, về chiều, chợ vãn dần, nhiều quầy sạp đã nghỉ bán.
Ban quản lý các chợ cũng bắt đầu cho triển khai tổng vệ sinh toàn chợ, dọn dẹp các tuyến đường nội bộ để trả lại mặt bằng thông thoáng cho người dân đi chơi Tết.
Theo bà Hoa, người dân ngụ Q. Bình Thạnh, ngoại trừ một số mặt hàng rau, củ tăng giá, phần lớn các mặt hàng khác không nhiều biến động.
"Sáng 30 Tết chợ khá đông. Trong khi các siêu thị gần như hết hàng ngon, tươi thì chợ vẫn còn nhiều hàng hóa. Dù giá cao mọi người vẫn mua để kịp về nhà sửa soạn", bà Hoa cho biết.
Siêu thị "thất thủ" từ 29 Tết
Nhận định về thị trường mua sắm Tết năm nay, các nhà bán lẻ cho biết sức mua tăng mạnh vào những ngày cuối khiến nhiều siêu thị trở tay không kịp. Từ tối 29 Tết, một số siêu thị đã trong cảnh "tan hoang", nhiều kệ hàng trống hoắc, các loại trái cây tươi, rau củ không còn nhiều lựa chọn.
"Năm nay người dân khởi động mua sắm khá trễ, sức mua khó lường dẫn đến nhiều đơn vị không dám đặt hàng nhiều. Tuy vậy, nhờ hệ thống logistics tốt, nguồn hàng phong phú nên không có hiện tượng giá cả tăng đột biến trên diện rộng", giám đốc một siêu thị nhận định về thị trường ngày cuối năm Mậu Tuất.
Báo cáo nhanh của Sở Công thương TP.HCM trưa 15-2 cho biết người tiêu dùng sắm tết với lượng hàng hóa dồi dào; không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến.
Sở Công thương cũng cho biết lượng hàng của doanh nghiệp "Bình ổn thị trường" được cung ứng đầy đủ, dồi dào, giá giảm sâu do thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nên người tiêu dùng có rất nhiều lựa chọn trong mua sắm.
18 triệu USD hoa, cây cảnh nhập khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hoa, cây cảnh (bao gồm dạng củ, cây, cành...) của Việt Nam trước dịp Tết Nguyên đán năm 2018, tính từ ngày 1-12-2017 đến 31-1-2018, đạt kim ngạch 18 triệu USD, tăng 46,8% so với dịp tết năm ngoái.
Cây xuất xứ từ Trung Quốc đạt 3,3 triệu USD, trong đó chủ yếu là các loại hoa lan với hơn 2 triệu USD, còn lại là các loại cây hoa khác như hoa Đỗ quyên, Vạn Niên thanh... Ngoài ra, cây nhập từ Đài Loan đạt 2,7 triệu USD, từ Nhật Bản hơn 1 triệu USD.
Các loại hoa dạng củ được nhập khẩu chủ yếu là củ hoa lily xuất xứ từ Hà Lan đạt kim ngạch 4,4 triệu USD, xuất xứ từ New Zealand với kim ngạch 1,1 triệu USD; xuất xứ Pháp là hơn 1 triệu USD; …
Riêng loại hoa dạng cành dịp tết năm 2018 đạt kim ngạch nhập khẩu trên 2,4 triệu USD, giảm nhẹ so với 2,5 triệu USD của dịp trước tết năm trước. Trong đó, chủ yếu là cành hoa phong Lan tươi có xuất xứ từ Thái Lan đạt 2,2 triệu USD.
Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)