Tết đến ăn nhiều đồ béo nên hầu như ai cũng thích thưởng thức một tô bún ốc, bún riêu để giải ngấy. Tuy nhiên hàng quán dịp này thường đóng cửa, chỉ một số ít mở xuyên Tết và giá cả cũng tuỳ nơi sẽ tăng lên.
Nguyễn Thu Hương (Đống Đa, Hà Nội) cho biết vì thèm bún ốc, mùng 2 Tết cô lên phố cổ tìm hàng quen nhưng chưa mở. Cô ghé một hàng vỉa hè ở Hàng Buồm, một bát giá 50.000 đồng, trong khi ngày thường là 30.000 đồng. "Giá cao hơn một chút cũng được nhưng nhìn bát bún chỉ vài con ốc bé lèo tèo, mình hơi hụt hẫng, thấy mất công vượt đường sá đi ăn", cô kể.
Chia sẻ với Hương trên một diễn đàn ăn uống, Nguyễn Phương Chi cũng cho biết gặp phải một hàng "cả năm chỉ mở vài ngày Tết" ở Bạch Mai. Kết quả là cô cũng phải trả giá 50.000 đồng cho một bát bún bún ốc toàn cà chua, đậu, thịt bò ít mà dai.
Chị Đào Hạnh (Ba Đình, Hà Nội) cũng có kỷ niệm không mấy vui vẻ khi đi ăn bún ốc ngày Tết ở Cầu Gỗ. "Bát bún ốc mình gọi gồm 3 con ốc, 3 miếng thịt bò, 2 miếng đậu, nửa miếng giò tai, vậy mà 90.000 đồng. Mình thắc mắc thì chủ quán nói bún ốc nhà anh ấy là gia truyền nấu ngon chứ không như hàng khác". Hạnh còn kể rằng khách Hàn Quốc vào ăn thì bị chủ quán "chém" 150.000 đồng/bát mà "không vớt được con ốc nào".
Mùng 3 Tết, Hoàng Trang (Cầu Giấy Hà Nội) vào quán mì gà tần ở Hàng Bồ. Cô cho biết dù biển đề 30.000 đồng/bát, khi thanh toán chủ hàng thu giá 70.000 đồng/bát. "Tết nhất mình không muốn đôi co, nhưng trả tiền xong cảm giác như bị lừa", Trang kể.
Tạt vào quán nướng vỉa hè ở Cát Linh ăn mùng 2 Tết, Nguyễn Thu Hương và bạn trai cũng rước bực vào người khi thanh toán. Cô kể quán rất đông khách nên tin tưởng rẽ vào. "Một đĩa thịt lêu hêu vài miếng ba chỉ vụn, mấy miếng bò và nầm, giá 400.000 đồng một đĩa. Nấm kim chi là 30.000 đồng/đĩa. Bơ bình thường không tính tiền mà quán lấy 10.000 đồng/hộp. Mình gọi 3 đĩa thịt, 2 đĩa nấm, 2 hộp bơ, nước lọc và 5 bánh mì, tổng hoá đơn 1,3 triệu đồng", Hương nói và cho biết "được chủ quán bớt" còn 300.000 đồng/đĩa thịt. Sau khi tìm hiểu, Hương được biết đây là quán mới mở ngày Tết, lấy mặt bằng của một quán có tiếng khác nên nhiều người nhầm lẫn.
Nhiều người chấp nhận giá tăng ngày Tết vì cho rằng giá nguyên liệu đầu vào, thuê nhân viên ngày Tết cũng cao hơn, nhưng chất lượng món ăn vẫn phải đặt lên hàng đầu. "Quan trọng giá cả phải niêm yết rõ ràng, hoặc khách đến phải hỏi giá trước để không rơi vào cảnh chặt chém, ăn như bị lừa", Thuỳ Minh (Cầu Giấy. Hà Nội) chia sẻ.
Tại một số địa chỉ ăn uống, giá ngày Tết tăng 10-30% so với ngày thường. Với các hàng ăn uống vỉa vẻ, giá một bát cao hơn ngày thường 10.000 - 20.000 đồng được đa số thực khách chấp nhận. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng tăng giá. Nhiều hàng quán giá và chất lượng món ăn vẫn được giữ nguyên, thậm chí khuyến mại trà đá cho khách đầu năm để lấy may.
Theo Vy An (VnExpress.net)