Hai yếu tố để kinh tế Việt Nam bớt khó khăn

27/05/2023 15:13:54

Yếu tố gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất là lạm phát đang ngày càng giảm đi và những tín hiệu tích cực về xuất khẩu trong những tháng cuối năm có thể là hai yếu tố khiến kinh tế Việt Nam bớt khó khăn.

Hai yếu tố để kinh tế Việt Nam bớt khó khăn

Thách thức đa mục tiêu

Việt Nam hiện đang hướng tới rất nhiều mục tiêu, gồm vừa bảo đảm ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy vĩ mô, an toàn hệ thống, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh - quốc phòng. Đây là thách thức rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh bản thân nội lực nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng chính đang có dấu hiệu suy giảm và bối cảnh quốc tế còn nhiều biến số khó lường.

Kinh tế đầy thách thức, bức tranh kinh tế của Việt Nam nhiều gam màu xám hơn so với dự báo. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất khoảng 12 năm nay, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ngoài ra, bức tranh của doanh nghiệp Việt Nam cũng không mấy sáng sủa khi trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường còn lớn hơn số doanh nghiệp thành lập mới.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp chưa được tháo gỡ, nợ xấu được dự báo sẽ tăng mạnh, lãi suất neo ở mức cao… mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm càng thêm khó khăn hơn.

Mặt khác, Việt Nam cũng phải đối diện với thách thức từ tác động bên ngoài, bởi nước ta là nền kinh tế mở, vừa phải thích nghi với bối cảnh bên ngoài vừa phải xoay xở trong nước để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp, tái cấu trúc hệ thống để đảm bảo chất lượng lâu dài.

Đặc biệt, chính sách tiền tệ không cho phép “thử sai”, vì sai một li thì đi một dặm. Vậy nên, nhiều quốc gia có cách tiếp cận thận trọng, thậm chí bảo thủ với chính sách tiền tệ chứ liều một chút là có thể “vỡ trận”.

Hai yếu tố có thể hy vọng từ bối cảnh thế giới

Có hai yếu tố mà Việt Nam có thể kỳ vọng để tình hình bớt khó khăn hơn trong nửa cuối năm. Thứ nhất là khả năng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế yếu đi, một số quốc gia phục hồi tốt hơn so với dự báo và thứ hai là áp lực lên tỷ giá, lạm phát giảm đi.

Có thể thấy rất rõ, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn, vì vậy mọi hoạt động của nền kinh tế toàn cầu đều có thể tác động đến Việt Nam. Năm nay, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ suy thoái, song nếu suy thoái nhẹ hoặc thoát khỏi suy thoái, hạ cánh mềm thì Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội trong nửa cuối năm.

Thực tế cho thấy rất rõ là đơn đặt hàng xuất khẩu có sự suy giảm, thậm chí rất khó khăn trong giai đoạn hiện tại nhưng nếu nền kinh tế thế giới suy giảm không nặng nề như dự báo hoặc vận động theo chiều hướng tốt lên thì doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn.

Xuất khẩu giảm sút ở nửa đầu năm nhưng hoàn toàn có thể phục hồi ở nửa cuối năm nếu có đơn hàng trở lại. Việt Nam có thể kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái nhẹ hơn khi ngày càng nhiều quốc gia phục hồi tốt hơn so với dự báo ban đầu.

Hai yếu tố để kinh tế Việt Nam bớt khó khăn - 1
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Theo dự báo cập nhật từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Trung Quốc phục hồi tốt hơn so với dự báo hồi đầu năm. Trung Quốc là một quốc gia có tác động quan trọng đến kinh tế toàn cầu vì vậy khi quốc gia này tăng trưởng tốt hơn cũng kéo theo tăng trưởng toàn cầu tích cực hơn.

Yếu tố thứ hai mà Việt Nam có thể hy vọng là áp lực lên tỷ giá, lãi suất là lạm phát ngày càng giảm đi. Lạm phát đã qua đỉnh, cường độ, mức độ tăng lãi suất giảm và thậm chí là dừng hẳn khiến các ngân hàng trung ương không còn chạy đua lãi suất, tạo dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Nếu các tác động tiêu cực từ bên ngoài giảm đi, nền kinh tế Việt Nam sẽ có điều kiện để tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay vẫn là bất định nên không có gì là chắc chắn mà chỉ là cơ sở để hy vọng những điều kiện thuận lợi hơn với kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm.

Động lực từ chính sách của Chính phủ

Ngoài các yếu tố bên ngoài, quan trọng hơn hết là nỗ lực chính sách. Từ cuối năm ngoái đến năm nay, Chính phủ đã nỗ lực xử lý hàng loạt vấn đề về thanh khoản, lãi suất, tỷ giá, trái phiếu doanh nghiệp hay thị trường bất động sản.

Tỷ giá hiện đã khá ổn định, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng dự trữ ngoại hối tương đối. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm lãi suất điều hành hai lần cho thấy nỗ lực trong việc hạ mặt bằng lãi suất. Nhờ vậy, lãi suất huy động và lãi vay đã bắt đầu giảm đôi chút và nếu điều kiện cho phép sẽ tiếp tục giảm xuống.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, tình hình đã được cải thiện, thanh khoản tốt hơn, lãi suất đã bắt đầu giảm. Nửa cuối năm sẽ bớt khó khăn hơn, có tia sáng le lói ở đâu đó, tích cực hơn. Còn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 23, Nghị quyết 08 và bây giờ bắt đầu vào giai đoạn thực thi.

Cộng với đó là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: giãn hoãn nợ thuế, cơ cấu lại nợ tín dụng, giảm 2% VAT, nỗ lực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại hàng loạt tỉnh, thành phố, trong đó có TP. HCM. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 131.200 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. TP. HCM vừa rồi cũng đã có nỗ lực để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, đến tháng 6 này, khi cơ chế đặc thù cho TP. HCM được thông qua, hàng loạt vấn đề khác như đầu tư công, hạ tầng của thành phố, có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng lớn nhất cả nước, sẽ được “giải phóng”.

Nói tóm lại, năm nay là một năm khó khăn và để đối phó với những khó khăn ấy thì bên cạnh việc hy vọng những điều kiện bên ngoài bớt khó khăn thì bên trong phải có những nỗ lực chính sách để thúc đẩy tăng trưởng. Dù vậy, có thể nhìn nhận nửa cuối năm sẽ bớt khó khăn hơn, có tia sáng le lói ở đâu đó, tích cực hơn.

Theo TS Võ Trí Thành (Đầu tư Tài chính)