Ngày 13/7, Bộ Chính trị công bố quyết định luân chuyển cán bộ. Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) được luân chuyển về Quảng Ninh giữ chức Phó chủ tịch. Điều này đồng nghĩa hai nhà băng quốc doanh lớn là BIDV và VietinBank đang khuyết vị trí Chủ tịch HĐQT.
Với Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), từ tháng 9/2016, thời điểm ông Trần Bắc Hà – người có hơn 30 năm kinh nghiệm gắn bó với BIDV nghỉ hưu theo chế độ, vị trí chủ tịch ngân hàng này vẫn bỏ ngỏ. Ông Trần Anh Tuấn là thành viên HĐQT được giao nhiệm vụ điều hành hoạt động của BIDV. Tuy nhiên gần 2 năm sau ngày ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, chức danh Chủ tịch nhà băng này vẫn chưa được định đoạt.
Biến động nhân sự tại BIDV vẫn chưa dừng khi ông Trần Anh Tuấn, người được HĐQT bầu để điều hành hoạt động của ngân hàng, đã có đơn xin từ nhiệm từ tháng 5/2018. Trả lời về vấn đề nhân sự tại cuộc họp đại hội cổ đông năm 2018, ông Phan Đức Tú - Tổng giám đốc BIDV trấn an cổ đông khi cho rằng, chừng nào Ngân hàng Nhà nước quyết định Ủy viên phụ trách nghỉ hưu, BIDV sẽ có người thay thế vị trí.
Sau sự ra đi của cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà, bản thân BIDV vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng về quy mô tổng tài sản, lợi nhuận. Tuy nhiên, tại BIDV chuyện tái cấu trúc, kiện toàn bộ máy, nhân sự lãnh đạo và khó khăn tăng vốn... là những vấn đề mà nhà băng này đang nỗ lực giải quyết trong bối cảnh khuyết vị trí Chủ tịch thời gian dài.
Năm 2017, BIDV đạt lợi nhuận trước thuế hơn 8.800 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ, mặc dù ngân hàng này trích lập dự phòng tăng hơn 62%. Kế hoạch 2018, lợi nhuận trước thuế của nhà băng lag 9.200 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2017. Mục tiêu này được cho là khá khiêm tốn với một ngân hàng có tổng tài sản nhất nhì hệ thống, khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn kỳ vọng đạt 17%.
Hết quý I, BIDV ghi nhận tới 8.498 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2017. Song chi phí dự phòng lên đến 6.013 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 9,1%, lên 2.485 tỷ đồng. Tổng tài sản ngân hàng đạt 1,22 triệu tỷ đồng hết quý I, trong đó dư nợ tín dụng đạt 878.752 tỷ đồng; nợ xấu nội bảng ở mức 1,62%.
BIDV hiện cũng là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn chạm ngưỡng "nguy hiểm" theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế bài toán tăng vốn với BIDV hiện là thử thách lớn hơn cả. Hơn một lần vấn đề này được ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra tại các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2 năm qua nhưng đều chưa đạt mục tiêu.
Tại phiên họp mới tổ chức vào tháng 4, ban lãnh đạo nhà băng này tiếp tục trình các phương án với kỳ vọng tăng vốn lên 43.638 tỷ đồng, tối đa thêm 28%. Trọng tâm của kế hoạch lần này là việc phát hành cho cán bộ công nhân viên (ESOP) 171 triệu cổ phiếu và chào bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài hơn 600 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn. Để hiện thực hoá mục tiêu tăng vốn, Tổng giám đốc BIDV – Phan Đức Tú cho biết, ngân hàng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện khi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn Basel II đến gần.
Khác với cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà sau nghỉ hưu đang bị truy xét vì những vi phạm thời còn đương chức theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Thắng rời ghế Chủ tịch VietinBank để luân chuyển sang vị trí công tác mới theo sự phân công của cấp có thẩm quyền.
Làm việc tại VietinBank 18 năm, ông Thắng có 4 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT sau khi thay ông Phạm Mạnh Hùng từ nhiệm và nghỉ hưu. Thay thế người tiền nhiệm khi ngân hàng đang vướng vào lùm xùm đại án lừa đảo Huyền Như, ông mất khá nhiều thời gian để gây dựng lại hình ảnh, lòng tin của VietinBank trong mắt nhà đầu tư, cổ đông, người gửi tiền… Lãnh đạo nhà băng cũng nhiều lần khẳng định, dù uy tín bị ảnh hưởng nhất định, đại án Huyền Như không ảnh hưởng tới “sức khoẻ” ngân hàng.
Thời điểm ông Thắng giữ vị trí cao nhất điều hành VietinBank là lúc ngân hàng này công bố ý định sáp nhập với một ngân hàng nhỏ khác là PG Bank, nằm trong chủ trương chung về tái cấu trúc toàn hệ thống ngân hàng. Ở thời điểm VietinBank thông báo việc sáp nhập với PG Bank thị trường tài chính có khá nhiều nghi ngờ vụ mua bán này sẽ thành công bởi hai nhà băng xét ở khía cạnh quy mô, sức khoẻ… đều không cân sức.
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt, PG Bank là một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với VietinBank, vì vậy dư nợ tín dụng mà VietinBank phải tiếp nhận từ PGBank cũng chỉ chiếm một phần nhỏ nên ảnh hưởng vào VietinBank là không đáng kể. Và 3 năm đàm phán, tìm hiểu vụ mua bán đã bất thành do hai bên không thống nhất được phương án, các điều khoản liên quan tới tỷ lệ sáp nhập. Sau PG Bank, ngân hàng này cũng bỏ ngỏ khả năng sáp nhập với một nhà băng khác.
Cũng giống BIDV, tăng vốn đang là áp lực đặt ra cho VietinBank sau 5 năm “bình ngưng”. Năm 2018 nhà băng này đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua tăng vốn Nhà nước tại VietinBank và phát hành trái phiếu thứ cấp trên thị trường.
Năm 2017 tổng tài sản ngân hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 840.000 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,07%. Năm 2018 nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận 10.800 tỷ đồng, tăng 17% so với 2018; huy động tăng 10-14%.
Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 VietinBank đạt tổng tài sản 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ so với cuối năm 2017. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 7,56%, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mức 6,84%, trong đó dư nợ cho vay tăng 9,8% so với đầu năm. Các chỉ tiêu ROA, ROE hợp nhất ước đạt lần lượt là 1% và 13%.
Theo Kỳ Duyên (VnExpress.net)