Nguyên Chủ tịch HĐQT MHB nói cáo trạng có nhiều điểm bất hợp lý

04/07/2018 09:38:41

Nguyên Chủ tịch HĐQT MHB Huỳnh Nam Dũng khẳng định, mình không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ký văn bản, hay chỉ đạo thuộc cấp chuyển tiền từ MHB sang MHBS để sử dụng sai mục đích.

TAND TP.HCM hôm 3/7 đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Huỳnh Nam Dũng (SN 1956, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là MHB - nay đã sát nhập vào ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Liên quan đến vụ án, 16 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo, cán bộ của MHB và công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (công ty MHBS) cũng bị đưa ra xét xử về các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên Chủ tịch HĐQT MHB nói cáo trạng có nhiều điểm bất hợp lý
Cựu chủ tịch HĐQT MHB Huỳnh Nam Dũng và các thuộc cấp tại tòa.

Cáo trạng xác định, công ty MHBS do MHB là cổ đông sáng lập. Ông Huỳnh Nam Dũng là đại diện phần vốn góp của MHB tại công ty MHBS.

Từ năm 2007 đến năm 2010, giữa công ty MHBS và MHB ký và thực hiện nhiều hợp đồng ký quỹ mua bán trái phiếu chính phủ (TPCP). Từ năm 2011 - 2014 chuyển sang hình thức ký các thỏa thuận hợp tác đầu tư với nội dung: MHBS môi giới cho sở Giao dịch (SGD) MHB đầu tư các loại TPCP. MHBS được hưởng tiền phí môi giới là 0,1% trên tổng giá trị mua được, lãi suất trong trường hợp không môi giới thành công TPCP từ 0,5- 2,4%/năm.

Cá nhân ông Huỳnh Nam Dũng cho chị gái của mình là Huỳnh Thị Minh Trí đứng tên trên số vốn góp tại MHBS là 13,8 tỷ đồng, chiếm 8,12% vốn; ông Nguyễn Phước Hòa cho con trai của mình là Nguyễn Thành Tín đứng tên số vốn góp là 2,7 tỷ đồng, chiếm 1,9% vốn.

Theo đó, ông Dũng và ông Hòa đã thông qua hội đồng Quản lý tài sản nợ - tài sản có (hội đồng Alco) của MHB thống nhất chủ trương cho phép sở Giao dịch MHB chuyển vốn vào tài khoản của sở Giao dịch mở tại MHBS để chờ đầu tư TPCP. Nhưng thực chất là MHB chuyển vốn cho MHBS để gửi các kỳ hạn tại các chi nhánh MHB hưởng chênh lệch lãi suất và mua bán TPCP cũng do MHB quản lý.

Trong các năm 2011, 2012 và 2014, sở giao dịch MHB đã chuyển 4.975 tỷ đồng cho công ty MHBS. Trong đó, đơn vị này sử dụng 3.357 tỷ đồng đem gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh trong hệ thống MHB để hưởng lãi suất số tiền hơn 45 tỷ đồng.

Từ năm 2011 - 2015, MHBS hoàn trả được cho sở Giao dịch MHB hơn 18,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho MHB hơn 26,86 tỷ đồng.

Số tiền 1.558 tỷ đồng còn lại được sử dụng để ký các thỏa thuận hợp tác đầu tư môi giới mua, bán TPCP của chính MHB thông qua các công ty trung gian. Từ đó, thực hiện việc môi giới, mua bán trái phiếu chính phủ quay vòng giữa các công ty để cho các công ty trung gian này và công ty MHBS được hưởng lợi dẫn đển MHB bị thiệt hại đồng thời không có khả năng thanh toán 272 tỷ đồng tiền gốc.

Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền MHB bị thiệt hại là hơn 349 tỷ đồng. Trong đó, các bị cáo Huỳnh Nam Dũng, Nguyễn Phước Hòa, Lữ Thị Thanh Bình, Trương Thanh Liêm là những người chịu trách nhiệm chính.

Các bị cáo Trần Mỹ Linh (nguyên Kế toán trưởng công ty MHBS), Lê Nguyên Ngọc, Phan Ngọc Nhân (Phó TGĐ công ty Huy Khánh), Lê Việt Hùng và Đoàn Hồng Ngọc phạm tội với vai trò đồng phạm giúp sức.

Khai tại tòa, bị cáo Huỳnh Nam Dũng cho rằng, cáo trạng mà VKS truy tố mình có nhiều điểm bất hợp lý.

Theo bị cáo Dũng, hội đồng Alco không ban hành chủ trương cho phép chuyển 4.975 tỷ cho công ty MHBS với nội dung hợp tác đầu tư TPCP. Bị cáo Dũng cũng không lợi dụng quyền hạn là Chủ tịch HĐQT MHB và công ty MHBS chỉ đạo cho toàn bộ quá trình chuyển tiền từ MHB sang cho MHBS sử dụng sai mục đích như cáo trạng quy kết.

Để chứng minh cho điều này, Dũng viện dẫn các quy định, điều lệ của MHB và công ty MHBS, các biên bản họp phê duyệt chủ trương, chỉ đạo việc triển khai mua trái phiếu của MHB và MHBS đều thể hiện người có quyền hạn trong việc triển khai chuyển tiền, theo dõi, quản lý, báo cáo chính là Tổng Giám đốc chứ không phải Chủ tịch HĐQT.

Cũng theo ông bị cáo, trong quá trình điều hành, ông không có thẩm quyền để thực hiện và cũng không có bất kỳ văn bản nào chỉ thuộc cấp thực hiện việc chuyển vốn, chuyển lợi nhuận cho công ty MHBS.

Bị cáo Dũng khi khai tại tòa cũng phủ nhận khoản tiền thù lao 460 triệu đồng mà cáo trạng cáo buộc mình được hưởng trong gia đoạn 2007 – 2010. Dũng lập luận, điều lệ của công ty MHBS quy định, các khoản thù lao cho HĐQT phải được thể hiện bằng một mục riêng tại các báo cáo tài chính hàng năm của công ty MHBS và phải được HĐQT báo cáo cho đại hồi đồng cổ đông để thông qua.

Nhưng trong các báo cáo tài chính các năm 2007 - 2010 đã được kiểm toán bởi đơn vị kiểm toán độc lập, khoản chi thù lao cho HĐQT này hoàn toàn không xuất hiện trong các báo cáo tài chính đó. Trong tất cả các báo cáo của HĐQT trước đại hội cổ đông hay nghị quyết cũng không có nội dung về tổng số tiền thù lao cho HĐQT.

Trong phần xét hỏi tại tòa, các bị cáo Nguyễn Phước Hòa (nguyên TGĐ MHB), Lữ Thanh Bình (nguyên TGĐ công ty MHBS) khai đã làm theo chỉ đạo của Dũng trong việc mua TPCP.

Theo 2 bị cáo này, ông Dũng có chủ trì cuộc họp HĐQT thống nhất với hội đồng Alco gửi 400 tỷ đồng tại ngân hàng Á Châu (ACB) để ACB mua trái phiếu của MHBS. Nguồn tiền mà ACB mua trái phiếu chính là nguồn tiền của MHB chuyển qua.

Phiên tòa sáng nay (4/7) tiếp tục với phần xét hỏi.

Theo Công Thư (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật