Chiều 9-3, lần đầu tiên, UBND TP Hà Nội đã thí điểm tổ chức họp báo về tình hình KT-XH theo hình thức trực tuyến đến 30 điểm cầu ở các quận, huyện, thị xã để lãnh đạo các địa phương trả lời ngay các vấn đề dư luận quan tâm.
Dự kiến giá nước sạch tăng hơn 15.000 đồng trung bình với mỗi hộ gia đình
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề dân sinh được báo chí đề cập, quan tâm. Thông tin về lộ trình tăng giá nước sạch và mức giá dự kiến, ông Nguyễn Xuân Sáng, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Hệ thống sản xuất và phân bố nước sạch trên địa bàn TP được đầu tư bằng nhiều nguồn, trong đó, có ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Những năm qua, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về nước sạch, khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch vào cao điểm mùa hè.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính, hiện chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... tăng dẫn đến phải điều chỉnh giá nước sạch để vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, vừa khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm, đồng thời giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch...
Căn cứ vào các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước tại thông tư của Bộ Tài chính, Sở Tài chính đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong 2 năm, (2023-2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp.
Trong đó dự kiến, đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10m3/tháng tăng khoảng 15.270 đồng. Đối với các nhóm khách hàng khác mức giá tăng khoảng 20%, chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí của các đơn vị, doanh nghiệp
Ông Sáng cũng cho biết, tại dự thảo phương án trình UBND TP, Sở Tài chính đã đánh giá tác động của việc điều chỉnh, theo đó việc điều chỉnh giá xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong sản xuất tiêu thụ nước sạch, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước và chủ trương xã hội hóa nước sạch.
Về xây dựng phương án giá của các doanh nghiệp, Sở Tài chính sẽ phối hợp với các Sở, ngành bám sát quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 44, để triển khai thực hiện.
Đồng thời căn cứ từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân, để có lộ trình điều chỉnh phù hợp.
Sắp thanh tra, kiểm tra các dự án lát đá vỉa hè
Thông tin về Hà Nội sẽ rà soát, xem xét lại chủ trương lát đá vỉa hè đầu năm 2023, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, ngày 16/12/2022, Chủ tịch UBND TP đã ban hành văn bản số 4236 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố.
Trong đó, UBND Thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành thành phố và đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát hè phố bị bong bật, lún nứt, vỡ...
Tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng; rà soát, đánh giá hiệu quả công tác đầu tư, mỹ quan của việc lát đá vỉa hè.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Sở đã rà soát các tài liệu liên quan đến lát đá vỉa hè, tham khảo ý kiến chuyên gia, nghiên cứu phương án, đề xuất lên UBND Thành phố.
Ngày 20/2/2023, Sở đã có văn bản gửi các quận, huyện và đơn vị thực hiện lát đá vỉa hè để tổng hợp và đánh giá tình trạng nguyên nhân hư hỏng, hiệu quả công tác đầu tư lát đá vỉa hè trên địa bàn thành phố. Theo văn bản, yêu cầu ngày 16/3/2023, các đơn vị sẽ phải gửi văn bản báo cáo về Sở Xây dựng.
“Sau khi nhận được văn bản của các quận, huyện và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP. Trong đó đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực. Đồng thời sẽ thanh tra, kiểm tra các dự án sau ngày 16/3”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin.
Tại buổi họp báo, trước phản ánh của phóng viên, lãnh đạo UBND quận Long Biên cho biết đã nắm rõ các các vi phạm trật tự xây dựng tại Cụm Tư Đình, phố Thượng Cầu, phường Long Biên cũng như thông tin về quá trình vi phạm, các bước xử lý; quận sẽ lập toàn bộ biên bản đối với các trường hợp vi phạm, yêu cầu phường xử lý, khôi phục tình trạng ban đầu theo quy định pháp luật.
Liên quan đến Dự án Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa cho biết, tháng 10/2022, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về việc xem xét lập quy hoạch chi tiết và triển khai thực hiện dự án đầu tư Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông theo 2 phân kỳ.
Để thực hiện chỉ đạo của thành phố, quận đã cho dừng toàn bộ hoạt động khai thác tạm tại khu quy hoạch Công viên từ tháng 12/2022.
Quận phối hợp với các đơn vị xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch chi tiết gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt; lập hồ sơ đề xuất dự án đối với phần diện tích đã GPMB…
Sau khi hoàn thiện, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông sẽ cải thiện môi trường sống của người dân và là lá phổi xanh của Thành phố, qua đó, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung của người dân Hà Đông nói riêng và Hà Nội nói chung…
Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, Chủ tịch UBND TP đã kiểm tra thực địa không báo trước. “Chúng tôi sử dụng cả flycam để kiểm tra. Các vi phạm đã không còn tồn tại đúng như báo cáo của quận. Thành phố ghi nhận công tác cương quyết xử lý vi phạm của quận. Hiện, thành phố đang xem xét công tác quy hoạch và các phương thức đầu tư…” - ông Dũng nói.
Tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 là khả thi
Tại buổi họp báo, trả lời về băn khoăn của phóng viên về việc tiến độ khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có đảm bảo? Chánh Văn phòng, UBND TP Trương Việt Dũng cho biết, đồng chí Bí thư Thành ủy; Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các nội dung liên quan và xác định rằng khâu then chốt để thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng sẽ quyết định tiến độ của dự án.
Theo kế hoạch, thành phố phấn đấu giải phóng mặt bằng đạt 70% trong thời điểm hết tháng 6-2023, và dự kiến hết năm 2023 phải giải phóng mặt bằng xong toàn bộ dự án.
Tính đến nay, tiến độ về phía Hà Nội rất khả thi, mặc dù công tác giải phóng mặt bằng còn liên quan đến 2 tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh để bảo đảm đồng bộ toàn diện.
Vừa qua, Bí thư Thành ủy và các đồng chí trong Ban chỉ đạo của thành phố đã làm việc với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Đến nay thành phố đã giải phóng mặt bằng được 235 ha/806 ha, đạt khoảng 30%.
"Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là di dời các mộ thì đến nay đã được 5393/10914 ngôi, đạt tỷ lệ khoảng 50%. Đây là tỷ lệ rất khả thi và theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thì bảo đảm tiến độ. Hiện nay hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp xã đã vào cuộc quyết liệt để bảo tiến độ", ông Trương Việt Dũng khẳng định.
Theo PV (An Ninh Thủ Đô)