Hà Nội đắt đỏ, lương không đủ sống, công nhân rời phố về quê

31/05/2024 09:20:10

Chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ khiến nhiều công nhân phải chắt bóp chi tiêu, không ít người không thể trụ được, phải về quê sinh sống.

Theo Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 do Tổng cục Thống kê mới công bố thì giá cả hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước. Vì vậy, đối với những người thu nhập thấp, những lao động nghèo, giá cả đắt đỏ trở thành gánh nặng lớn khiến họ gặp khó khăn trong chi tiêu và giấc mơ an cư lạc nghiệp ngày càng xa vời.

“Từ Tết đến giờ, tiết kiệm hết mức có thể mà hầu như tôi cũng không để ra được đồng nào, cứ thế này chắc không thể trụ được ở đây nữa”, đó là chia sẻ của chị Trần Thị Huyền, công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) khi sống tại thành phố đắt đỏ nhất cả nước với mức lương công nhân bèo bọt của mình.

Chia sẻ với báo Người Đưa Tin, chị Huyền cho biết, quê mình ở Phú Thọ, hai vợ chồng chị gửi con ở quê cho ông bà để đi làm công nhân ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long với tổng thu nhập chỉ từ 11-12 triệu đồng/tháng.

“Năm ngoái, công việc đều hơn, tôi tăng ca cả chủ nhật và buổi tối thì một tháng cũng được khoảng 9-10 triệu đồng, chồng tôi tháng cao nhất được khoảng 11 triệu đồng. Từ Tết đến giờ, đơn hàng ít, công ty không có việc nên không tăng ca, nghỉ chủ nhật, tháng được có 5-6 triệu đồng/người”, chị Huyền nói.

Thu nhập suốt nhiều tháng liền loanh quanh cả hai vợ chồng chỉ được tầm chục triệu đồng mỗi tháng nên hầu như chi phí ăn ở, sinh hoạt xong không để ra được đồng nào.

Hà Nội đắt đỏ, lương không đủ sống, công nhân rời phố về quê
Ảnh minh họa: Internet

Một tháng, hai vợ chồng chị chi tiêu tiết kiệm lắm cũng phải hết 7-8 triệu đồng. Trong đó, tiền phòng trọ đã mất 1,2 triệu đồng; tiền điện 300-350 nghìn đồng; tiền nước 60 nghìn đồng/người; xăng xe hết khoảng 500 nghìn đồng; ăn uống và chi tiêu các khoản còn lại hết khoảng 5 triệu đồng/tháng; gửi về quê cho ông bà nuôi con mỗi tháng được khoảng 2 triệu đồng, còn lại không để ra được nghìn nào.

“Bây giờ, một cân gạo xấu cũng phải 20 nghìn đồng, mớ rau cũng phải 5-10 nghìn đồng, thanh đậu 2-3 nghìn đồng, mì tôm từ 4-5 nghìn đồng/gói, một cân thịt lợn cũng từ 120-130 nghìn đồng, chưa kể tiền đổi ga, gia vị. Ngày nào đi chợ tôi cũng tính toán hai vợ chồng mỗi ngày tiêu dưới 100 nghìn đồng, tức là mỗi người ăn chỉ khoảng 20 nghìn đồng/bữa”, chị Huyền nói.

Thậm chí, chị Huyền cho biết, cả năm hầu như mình không dám ăn bún hay phở bên ngoài, vì tính ra, một bát phở ăn sáng có giá 30-35 nghìn đồng, bằng 4-5 hộp sữa của con.

“Mấy hôm nay nóng, phòng trọ có điều hòa nhưng hai vợ chồng còn không dám bật vì sợ tốn tiền điện. Nghĩ ngày xưa, nhà còn không có điện, chỉ có cái quạt lá cọ mà vẫn qua được mùa hè, giờ có quạt điện rồi, còn sướng chán. Mình phải tiết kiệm mới có tiền gửi về quê nuôi con”, chị Huyền thở dài.

Tính toán “đau đầu” để làm sao chi tiêu tiết kiệm nhất có thể, mãi cũng mệt, chị Huyền cho biết, vài tháng nữa, nếu tình hình không cải thiện thì hai vợ chồng chị sẽ về quê. 

Cũng giống như gia đình chị Huyền, suốt nhiều tháng nay, cả gia đình 4 người nhà chị Huế trú tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chỉ chi tiêu trong khoảng 10 triệu đồng. Vì vậy, mỗi ngày cầm tiền đi chợ, chị lại cảm thấy áp lực vì giá cả ngày càng leo thang, không cẩn thận là “cháy ví”.

“Chồng tôi làm lái xe taxi cho một hãng xe lớn, có thương hiệu, nhưng từ Tết đến giờ công ty nợ lương, không trả. Khách họ đi chủ yếu thanh toán qua thẻ, tiền về công ty nhưng lái xe lại không nhận được lương. Mọi chi tiêu trong gia đình một mình tôi phải lo hết”, chị Huế nói.

Theo chị Huế, mấy vợ chồng con cái ở trọ trong phòng trọ rộng khoảng 15m2, mỗi tháng hết khoảng 2,5 triệu đồng cả tiền điện, nước. Hai đứa con của chị đi học bán trú ở trường công, một tháng đóng góp mất khoảng 2,5 triệu đồng. Tiền ăn của cả nhà ít nhất cũng phải hết 5 triệu đồng/tháng; xăng xe, điện thoại, hiếu, hỷ, ma chay gói gọn trong khoảng 1 triệu đồng.

“Thu nhập như thế, con tôi không cả được đi học thêm hay học năng khiếu, cả nhà không được phép ốm, ăn sáng chỉ bằng mì tôm hoặc cơm rang. Nếu ăn sang thì những ngày tiếp theo phải bóp mồm bóp miệng không thì phải đi vay”, chị Huế nói.

Chi phí sống ở Hà Nội quá đắt đỏ trong khi thu nhập không được cải thiện, tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, công ty của chồng chị lại nợ lương suốt nhiều tháng liền. Vì vậy, chị Huế dự định, hè này, chị sẽ xin chuyển trường cho các con về quê, hai vợ chồng ở lại. Nếu tình hình không khả quan thì cả nhà dọn hẳn về quê ở.

Hà Nội đắt đỏ, lương không đủ sống, công nhân rời phố về quê - 1
Ảnh minh họa: Internet

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ không chỉ khiến công nhân gặp nhiều áp lực mà các hộ kinh doanh trong khu công nghiệp ở Hà Nội cũng bị ảnh hưởng. Báo VTC News dẫn lời ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi), chủ một khu nhà trọ công nhân ở thị trấn Chi Đông (huyện Mê Linh, Hà Nội), với quy mô 35 phòng cho biết, ông đã kinh doanh nhà trọ ngay từ khi khu công nghiệp Quang Minh hình thành.

Theo ông Đức, khoảng 2016 - 2017 là lúc đời sống công nhân tốt nhất mà ông từng chứng kiến. Họ làm không hết việc, tăng ca nhiều nên đồng lương tăng lên. Đồng thời, giá cả hàng hóa khi đó cũng dễ chịu, không đắt như bây giờ.

Nhưng hiện nay, tình hình đã thay đổi. Giá các loại rau xanh tại thị trấn Chi Đông tuy có tăng nhưng vẫn rẻ hơn so với nội thành Hà Nội. Còn các loại thịt, cá, tôm, cua…thì ngày càng đắt "không chịu nổi".

“Rau xanh ở đây thì bà con tự trồng được rồi đem ra chợ bán nên giá cả phải chăng hơn. Nhưng thịt cá phải vận chuyển từ nơi khác đến, lại là khu tập trung đông công nhân, nên giá rất cao".

Ngoài chi phí sinh hoạt đắt lên vì giá cả hàng hóa leo thang, những người công nhân tại đây kể từ sau 2019 phải đối mặt với tình trạng ít việc, không được làm thêm, tăng ca, thu nhập bị giảm, đến nay tình hình vẫn chưa cải thiện.

Ông Đức cho biết, có rất ít công nhân còn trụ lại khu trọ từ 2019. Nhiều trường hợp chỉ đến ở được vài tháng đã phải bỏ về quê vì không chịu được "nhiệt".

“Những công nhân không được làm tăng ca, làm thêm giờ thì mỗi tháng thu nhập cũng chỉ 4-6 triệu đồng, làm sao đủ chi tiêu ở Hà Nội", ông nói.

Hà Nội đắt đỏ, lương không đủ sống, công nhân rời phố về quê - 2
Xóm trọ dành cho công nhân của gia đình ông Đức, khách thường xuyên trả phòng về quê vì đồng lương không chịu được chi phí ở Hà Nội.

Ông Đức đã giảm khoảng 20% tiền thuê phòng, nhưng số phòng cho thuê được cũng giảm khoảng 30% vì công nhân không trụ lại được.

“Phòng 1,2 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 1 triệu đồng/tháng; 1 triệu đồng/tháng thì giảm xuống còn 800.000 đồng/tháng. Ấy vậy mà họ vẫn không ở nổi. Những người trụ được thì họ chi tiêu rất tiết kiệm, không dám dùng điều hòa. Có những người cả năm chỉ về quê 1-2 lần lễ tết là cùng, vì về nhiều quá thì làm gì còn tiền", ông Đức kể.

PN (SHTT)