Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước: Suất bún đậu trên 100K, 30 triệu đồng/tháng vẫn thấy... thiếu

25/04/2024 11:21:32

Những người dân Thủ đô từng ngày nếm trải sự đắt đỏ trong sinh hoạt… Nhiều người thậm chí còn khẳng định "Hà Nội cái gì cũng đắt!".

Báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023 Tổng cục Thống kê mới đây công bố cho thấy, Hà Nội là địa phương có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.

Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%. Đứng thứ hai là TPHCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội; Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương là 3 địa phương có mức giá đắt đỏ tiếp theo trong top 5.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước: Suất bún đậu trên 100K, 30 triệu đồng/tháng vẫn thấy... thiếu

Chỉ số SCOLI không gây ngạc nhiên với nhiều người, nhất là với những người dân Thủ đô khi họ từng ngày nếm trải sự đắt đỏ trong sinh hoạt… Nhiều người thậm chí còn khẳng định "Hà Nội cái gì cũng đắt!".

Cơm bình dân tăng giá, suất bún đậu cũng trên 100.000 đồng

Làm nghề chạy xe ôm ở Hà Nội 7 năm nay, anh Trương Văn Thành chia sẻ trên báo Dân Trí, thật khó để kiếm được suất cơm bình dân 30.000-35.000 đồng mà đầy đặn ở khu vực nội đô. Giá nhiều quán cơm, quán phở bình dân ở Hà Nội đều đã tăng từ 5.000-15.000 đồng/suất.

"Với những ai khá giả thì việc tăng giá không ảnh hưởng quá lớn, nhưng với người dân lao động như chúng tôi thì phải rất đắn đo, cân nhắc", anh Thành nói.

Có dịp đi công tác nhiều tỉnh thành, chị Ngọc Ánh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận thấy rằng, nếu chỉ ăn uống ở mức bình dân thì Hà Nội cũng tương đương ở các thành phố lớn khác, nhiều quán khá rẻ.

Tuy nhiên, nếu lựa chọn ăn ở khu vực phố cổ, vào các nhà hàng hoặc các địa điểm vui chơi, giải trí, các nơi tiếp khách sang trọng thì đương nhiên giá thực đơn sẽ cao hơn.

"Một suất bún đậu khu vực Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chỉ 35.000 đồng nhưng nếu suất bún đậu đó trên phố cổ có thể được bán với giá 50.000 đồng, nếu thêm vài miếng thịt, chút lòng lợn thì giá có thể tăng lên trên 100.000 đồng.

Nhiều quán ở trung tâm một bát bún ngan, phở gà có giá 50.000-65.000 đồng, khách đôi khi còn phải trả thêm 10.000 đồng tiền gửi xe. Thực tế những suất bún ấy nếu ở địa phương khác, có lẽ không quá 30.000-35.000 đồng", chị Ánh nói.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước: Suất bún đậu trên 100K, 30 triệu đồng/tháng vẫn thấy... thiếu - 1
Ảnh minh họa: Internet

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động quý I/2024 là 7,6 triệu đồng/tháng. Nhiều lao động ở Hà Nội, đặc biệt ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hòa Lạc (Thạch Thất), Đông Anh… chia sẻ họ phải rất chật vật để trang trải cuộc sống do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao...

30 triệu đồng một tháng vẫn thấy... thiếu

Khảo sát nhiều hộ gia đình có 4 người ở 3 thành phố lớn nhất nước có thể thấy, mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng ở Hà Nội lên đến 30 triệu đồng, trong khi ở TP.HCM khoảng 25 triệu đồng và tại Đà Nẵng khoảng 20 triệu đồng.

Chị Minh Hồng (quê Phú Thọ) hiện sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng chồng và hai con học cấp 2, cấp 3. Chia sẻ về mức chi tiêu cho gia đình mìnhh mỗi tháng, chị cho biết, thời điểm chưa thể mua nhà và phải ở trọ, chị đã liên tục chuyển chỗ ở để điều chỉnh cho phù hợp thu nhập vì chi phí quá tốn kém. Dù thu nhập của vợ chồng chị không quá thấp, khoảng 40 triệu đồng/tháng nhưng nếu không căn cơ, tính toán thì không thể có dự trữ.

“Thời gian đầu, gia đình tôi thuê nhà trong nội thành để tiện đi lại. Tính cả tiền thuê nhà tầm 7 triệu đồng/tháng, chúng tôi mất khoảng 35 triệu đồng. Sau đó, nhận thấy chi phí sinh hoạt và tiền thuê nhà ở đây cao hơn khu vực ven đô, gia đình tôi chuyển về vùng ngoại thành để tiết kiệm tài chính. Từ đó, mỗi tháng chúng tôi giảm được khoảng 5 - 7 triệu.

Bây giờ, nhờ sự hỗ trợ của gia đình và vay ngân hàng, chúng tôi đã mua được nhà nên không mất tiền thuê nhà nữa. Nhưng tiền trả lãi ngân hàng và do vật giá leo thang, con cái càng lớn càng tốn kém cho chi phí học hành cũng như nhu cầu cá nhân nên mỗi tháng, dù tìm mọi cách thắt chặt chi tiêu và tiết kiệm tối đa, chúng tôi vẫn tiêu tốn hết khoảng 32 triệu đồng”, chị nói.

Chị Hồng khẳng định, đây chỉ là mức chi cho những nhu cầu rất cơ bản. Mỗi ngày, chị chi khoảng 250.000 - 300.000 đồng cho ăn uống, như vậy mỗi tháng mất khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng. Tiền xăng xe, điện thoại, Internet của cả hai vợ chồng và hai con ít nhất cũng thêm khoảng 2 triệu đồng.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước: Suất bún đậu trên 100K, 30 triệu đồng/tháng vẫn thấy... thiếu - 2
Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, chi phí cho hai con đi học bao gồm học phí ở trường công, học thêm các bộ môn năng khiếu và ngoại ngữ khoảng 10 triệu đồng. Hai vợ chồng còn phải dành khoảng 7 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng và khoảng 2,5 triệu đồng phòng cho những chi phí phát sinh hoặc những nhu cầu khác như may mặc, ngoại giao...

Với kinh nghiệm 20 năm sống ở Hà Nội, chị Hồng khẳng định: “Với 30 triệu đồng để chi cho cuộc sống hằng tháng ở Hà Nội, đừng mơ đi du lịch hay ăn ngon thường xuyên”.

Vì sao giá sinh hoạt của Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước?

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương Mại (nay là Sở Công thương) Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị thành phố Hà Nội cho hay, Hà Nội có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ nhất cả nước xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn nguyên nhân khách quan.

Đa số lương thực, thực phẩm, hoa quả, mặt hàng thiết yếu cung cấp cho Hà Nội đều chở từ phía Nam ra nên hàng hóa sẽ phải gánh thêm chi phí vận chuyển, trung gian.

"Nhiều khâu trung gian ăn dày khiến người dân phải mua hàng với giá đắt đỏ.

Đặc biệt, nhiều chợ truyền thống khó triển khai quản lý giá, giá cả không được niêm yết, xăng chưa tăng nhưng giá hàng hóa đã bị đẩy lên, giá khi đã tăng thì lại không chịu hạ nhiệt…. Giá thịt, gạo xuống, nhưng giá bánh cuốn vẫn lên…", ông Phú dẫn chứng một vài ví dụ.

Hà Nội đắt đỏ nhất cả nước: Suất bún đậu trên 100K, 30 triệu đồng/tháng vẫn thấy... thiếu - 3
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa cũng là thành phố thu hút hàng chục triệu khách du lịch mỗi năm. Đây cũng là yếu tố khiến giá cả dễ biến động.

Cũng theo chuyên gia này, hệ thống phân phối và hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều chợ như chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Hôm… cải tạo nhưng thất bại, tiểu thương bỏ sạp vì giá thuê cao.

Để điều tiết giá cả tại Thủ đô, chuyên gia này cho rằng, trước mắt cần quan tâm đến chợ dân sinh, chấn chỉnh cải tạo, xây dựng chợ và coi chợ là mũi chủ lực, tạo điều kiện cho tiểu thương buôn bán, quan tâm đến đời sống người dân lao động.

Tiếp đến là tổ chức hệ thống chợ đầu mối vùng, gắn kết giữa sản xuất và phân phối thành chuỗi cung ứng nhằm bớt các khâu trung gian.

Chợ đầu mối vùng không chỉ giúp quản lý chất lượng hàng hóa an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện mua bán công khai minh bạch, không ép giá người có hàng hóa muốn bán tại chợ để xây dựng thương hiệu cho mình.

Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa kinh doanh, chia sẻ, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về quản lý giá, thị trường.

Các cơ quan chức năng cần xây dựng chiến lược phát triển thương mại và hệ thống phân phối của Thủ đô kết nối các vùng miền, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ.

"Giá cả đắt đỏ không chỉ ảnh hưởng đến hơn 8 triệu dân Hà Nội mà còn ảnh hưởng đến đầu tư, du lịch, thương mại. Vì vậy, việc điều tiết giá cả vô cùng quan trọng", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

PN (SHTT)

Nổi bật