Sau khi được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hỏi ý kiến, UBND TP. Hà Nội thống nhất chưa áp dụng hình thức đi chung xe để đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách.
TP. Hà Nội cho rằng tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn trong thời gian chờ quy định của Bộ GTVT đối với loại hình vận tải này nhằm đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.
Theo UBND TP. Hà Nội, dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào một chuyến xe (chia sẻ hành trình). Do vậy tối ưu hoá hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.
Hà Nội cho rằng dịch vụ đi chung xe chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách. Ảnh: Grab. |
Loại hình vận tải này không phù hợp với quy định của Bộ GTVT trong tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra, hình thức đi chung xe không có trong nội dung kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Hiện nay, quy định quản lý đối với hình thức vận tải này cũng chưa có.
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu các giải pháp quản lý hình thức vận tải mới, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đảm bảo an toàn và quyền lợi của hành khách đi xe.
Trước đó, vào tháng 6, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Grab Việt Nam và Uber Việt Nam dừng dịch vụ đi xe chung GrabShare và UberPOOL vì cho rằng trái với quy định hiện hành.
Sau đó, Công ty TNHH Grab Việt Nam gửi đề xuất lên Bộ GTVT về việc được triển khai dịch vụ đi chung xe.
Bộ GTVT đã gửi công văn tới các bộ ngành, địa phương, tổ chức… lấy ý kiến đối với đề xuất này của Grab. Theo đó, Bộ GTVT muốn hỏi ý kiến xem có phù hợp với quy định hiện hành hay không, các biện pháp quản lý, xử lý vi phạm (nếu có).
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)