"Siêu dự án" đang… trồng cây, nuôi cá
Mới đây, tại Hà Nội diễn ra "Hội thảo giới thiệu và tham quan dự án Gold Lake Hòa Lạc" do Công ty CP đầu tư Bất động sản Cổng Vàng (Công ty Cổng Vàng) tổ chức. Những vị khách hàng "tiềm năng" có mặt đã được nghe giám đốc sàn giao dịch bất động sản (BĐS) giới thiệu về "Hòa Lạc trong mơ" là một trung tâm phát triển bậc nhất Hà Nội trong tương lai. Cuối cùng, mục đích buổi hội thảo là giới thiệu về một dự án sẽ mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư, mang tên… "Gold Lake Hòa Lạc".
Theo thông tin được giới thiệu tại buổi hội thảo, cái gọi là "dự án Gold Lake Hòa Lạc" đã được giao dịch khách hàng với số lượng hơn 80 lô đất. Điều đáng nói, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, "siêu dự án" nói trên chỉ là bãi đất trống và người dân vẫn đang trồng bưởi và nuôi cá. Qua tìm hiểu hồ sơ pháp lý thì đây là thửa đất do Sở TN&MT TP Hà Nội cấp cho ông/bà Nguyễn Thanh Hải/ Ngô Thị Chanh. Mục đích sử dụng đất được ghi trong GCN QSD đất là trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, với thời hạn sử dụng đất 46 năm (từ năm 2018 đến năm 2064).
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Phạm Mạnh Cường (tự giới thiệu là Phó Giám đốc kinh doanh của Công ty Cổng Vàng) cho biết: Công ty Cổng Vàng được chủ đất ủy quyền cho bán đất ở tại thửa đất được cấp Giấy Chứng nhận QSD đất số CK 333342 (được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp cho ông/bà Nguyễn Thanh Hải/ Ngô Thị Chanh). "Việc bán đất này là Công ty đứng ra đại diện cho chủ đất để giao dịch chuyển nhượng thông thường chứ không phải đất nền dự án", ông Cường giải thích.
Ông Cường thừa nhận với phóng viên không có dự án nào đang được Công ty Cổng Vàng bán hàng có tên Golden Lake Hòa Lạc và nói rằng: "Quá trình triển khai bán hàng, truyền thông có những thông tin chưa rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm?".
Tương tự, dự án mang tên "Khu dân cư Adoland Capital 8" nằm ở huyện Quốc Oai, Hà Nội cũng được rao bán trên các trang thông tin mua - bán BĐS. Theo lời giới thiệu của "cò", dự án có giá hấp dẫn chỉ 11- 12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, khi xuống tận nơi, "cò" lại cho chúng tôi số điện thoại của người được coi là chủ đầu tư dự án để trao đổi. Trong vai trò người mua đất, chúng tôi được mời vào văn phòng của Công ty CP Tập đoàn Adoland tại Phú Cát, Quốc Oai. Khi hỏi về dự án trên, ông Nguyễn Văn Hưng, người tự giới thiệu là chủ công ty này khẳng định: Không có dự án trên và công ty ông chỉ môi giới đất thổ cư của dân bao gồm cả đất vườn. Vị này cho rằng, việc vẽ dự án là do nhân viên môi giới chứ bản thân công ty ông không lập dự án gì(?).
Còn tại dự án Tiến Xuân Green (nơi sát trung tâm Hòa Lạc), các lô đất tại dự án đều được quảng cáo có giấy tờ pháp lý rõ ràng, sổ đỏ chính chủ, đã có đường nội khu 6m, vỉa hè 1,2m, thế đất cao, bằng phẳng, chia lô vuông vức. Qua trao đổi với chính quyền địa phương, khu đất đang được quảng cáo là Khu dân cư Tiến Xuân Green thuộc sở hữu của ông Trần Văn Hồng (địa chỉ ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) với tổng diện tích hơn 1 ha. Tuy nhiên ngoài khoảng 400m2 đất ở, phần còn lại là đất nông nghiệp chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất….
Cảnh tỉnh tâm lý mua nhà - "lướt sóng" kiếm lời
Sau sự việc hàng trăm người dân là khách hàng đã mua dự án của công ty Alibaba ở các tỉnh kéo đến trụ sở cơ quan điều tra tại TPHCM để làm đơn tố cáo công ty này lừa đảo, tại một số địa phương đã có thông báo cảnh giác trước kiểu lừa đảo bán đất dự án như công ty Alibaba.
Ngày 21/9 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung với số tiền 120 triệu đồng do vi phạm quảng cáo sai sự thật. Cụ thể, Công ty CP Đất xanh Bắc Miền Trung đã quảng cáo mô hình phối cảnh toàn bộ dự án Eco Lake ở phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) trên trang thông tin điện tử của Công ty và người quảng cáo với các báo mạng không đúng với thực tế. Theo đó, Eco Lake chưa được cơ quan chức năng cấp phép nên không được phép gọi đây là dự án. Việc chủ đầu tự dự án Eco Lake thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phân lô bán nền khi không có giấy phép xây dựng và lập hồ sơ tách thửa đất là không đảm bảo đúng quy định hiện hành.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS La Văn Thái, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều dự án giao dịch theo hình thức trên giấy mà chưa mà có sự tồn tại trên thực tế. Sự việc của Công ty Alibaba đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho thói quen mua nhà - đất theo hiệu ứng tin đồn, nhằm mục đích "lướt sóng" kiếm lời của người Việt.
Chuyên gia này cho rằng, do nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân, đồng thời do sự ít hiểu biết về pháp luật nên không ít người dân đã bị các doanh nghiệp lợi dụng để trục lợi, lừa đảo thông qua các hình thức như: hợp đồng góp vốn, thỏa thuận đặt cọc... từ đó không ít khách hàng đã bị mất tiền oan từ những hình thức lừa đảo như thế này.
TS Thái chỉ rõ, tình trạng lừa đảo để bán các sản phẩm BĐS trong thời gian gần đây không chỉ xuất hiện ở riêng các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà "làn sóng" này đã lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. "Nhiều dự án chưa hoàn thành pháp lý, thậm chí chưa giải phóng xong mặt bằng… nhưng đã được chủ đầu tư bán cho khách hàng từ hơn chục năm trước. Hậu quả là, đến nay, nhiều dự án vẫn ngổn ngang, bất động, nằm chờ xử lý nợ xấu, trong đó, không ít vụ việc đã bị khởi tố, xét xử hình sự và đương nhiên, phần rủi ro luôn thuộc về khách hàng", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động Việt Nam cũng chia sẻ, quy định bắt buộc công khai thông tin dự án tại chủ đầu tư, sàn giao dịch BĐS đã có trong luật. "Tại sao việc công khai thông tin dự án BĐS lại chỉ bó hẹp ở các doanh nghiệp? Tại sao các đơn vị quản lý nhà nước, Sở Xây dựng các địa phương không công khai?", ông Đính đặt câu hỏi.
Theo Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động Việt Nam, thực tế khi người dân muốn tiếp cận các thông tin dự án chính thống từ Cổng thông tin của các Sở Xây dựng thì rất khó, vì thế cũng cần các cơ quan quản lý cùng thực hiện việc công khai này. Do vậy, ông Đính cho rằng, cơ quan chức năng cần xem xét xử phạt doanh nghiệp vi phạm theo hình thức không cho thực hiện tiếp các dự án khác hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh BĐS.
Khách hàng cần đến thực địa, kiểm tra thực trạng của dự án
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, trước những nguy cơ, những rủi ro khi giao dịch BĐS, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh bị kẻ xấu lừa đảo, trục lợi, trước khi tiến hành các giao dịch BĐS, người dân cần phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các hồ sơ pháp lý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như: Giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa.
Cùng với việc rõ ràng về thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan thì khách hàng cũng nên dành thời gian để đến thực địa, kiểm tra thực trạng của dự án đã được đầu tư hạ tầng đến đâu, không nên quyết định mua sản phẩm khi mới chỉ được tư vấn trên bản vẽ thiết kế 3D.
Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)