'Bộ sậu' Địa ốc Alibaba bị bắt, cơ hội nào cho nhà đầu tư đòi được tiền?

22/09/2019 08:25:10

Việc 2 “sếp lớn” của Công ty CP địa ốc Abibaba bị Công an bắt và khởi tố để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khiến cho hàng nghìn khách hàng đã trót rót tiền đầu tư vào doanh nghiệp này hiện đang đứng ngồi không yên.

 

Hiện Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với một số đối tượng đứng đầu của Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) để điều tra về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc lập các dự án ma để phân lô bán nền, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng.

Vậy số phận pháp lý của những khách hàng đã bỏ tiền ra mua bất động sản của công ty này sẽ được giải quyết ra sao? Làm thế nào để đòi lại được tiền, khi người đứng đầu công ty bị bắt thì ai sẽ có trách nhiệm trả tiền cho những người bị hại? Đó là những vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sự TP. Hà Nội), những vấn đề này sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật. Chắc chắn rằng bất cứ người nào đã nộp tiền cho công ty này đều có mong muốn, nguyện vọng đòi lại được tiền, tuy nhiên không phải ai cũng có cơ hội nhận lại số tiền mà mình đã nộp. 

Sẽ có người có cơ hội lấy lại được tiền, có những người thì cơ hội lấy lại tiền sẽ không cao, thậm chí nguy cơ mất trắng. Việc lấy được tiền hay không phụ thuộc vào địa vị pháp lý, bản chất của từng giao dịch, từng vai trò, vị trí trong các thủ tục tố tụng.

'Bộ sậu' Địa ốc Alibaba bị bắt, cơ hội nào cho nhà đầu tư đòi được tiền?
Cơ quan CA làm việc với lãnh đạo Công ty Alibaba. Ảnh: TL

Với mỗi giao dịch, mức độ hiểu biết, nhận thức của từng khách hàng và với những thông tin, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo của công ty này đưa ra thì chúng ta có thể chia ra làm hai nhóm khách hàng.

Nhóm thứ nhất: Là những người bị các đối tượng của Công ty Alibaba đưa ra thông tin gian dối, dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Nhóm khách hàng này sẽ được xác định là những người bị hại trong vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Những người này sẽ tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại, được quyền đưa ra các yêu cầu, đề nghị, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, trong đó có quyền yêu cầu những đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt và bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp các đối tượng lừa đảo không tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả thì người bị hại trong vụ án hình sự có quyền yêu cầu tòa án niêm phong, kê biên, phong tỏa tài khoản và tuyên án buộc các bị cáo phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với người bị hại là trả lại tiền và bồi thường những thiệt hại (nếu có). 

Trường hợp khác, khi vụ án kết thúc, tòa án tuyên các đối tượng phạm tội phải chịu hình phạt và bồi thường thiệt hại dân sự cho nạn nhân, khi đó nếu các đối tượng cố tình không bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì những người bị hại này có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của những đối tượng phạm tội để thu hồi tài sản. Nhóm người này có cơ hội lấy lại tài sản cao hơn vì họ có quyền trong hoạt động tố tụng hình sự và có thể tác động đến mức hình phạt, cơ hội giảm án đối với các đối tượng lừa đảo và có thể yêu cầu cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của các đối tượng lừa đảo, yêu cầu thu hồi tài sản do phạm tội mà có...

Nhóm thứ hai: Là những người không được xác định là bị hại trong vụ án hình sự do họ không trình báo sự việc với cơ quan công an hoặc việc họ đưa tiền cho các đối tượng này không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, không có yếu tố gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhóm người này có thể là những người đã biết rõ các dự án bất động sản của công ty này là chưa được phép huy động vốn, không có thật nhưng vì ham lợi nhuận, ham lãi suất nên đã bỏ tiền ra đầu tư và chấp nhận rủi ro trong các giao dịch này. Những giao dịch này không có yếu tố gian dối, hai bên đều biết rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng cố tình thực hiện hành vi vi phạm, thực hiện các giao dịch bất động sản vi phạm điều cấm của pháp luật, giao dịch dân sự vô hiệu.

Với những trường hợp này thì sẽ không được xác định là người bị hại trong vụ án hình sự, sẽ không được vận dụng các quy định của bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan để buộc đối tượng lừa đảo phải trả lại tài sản. Những người này nếu không được các đối tượng trên tự nguyện trả lại tài sản thì phải khởi kiện bằng một vụ án dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch để buộc các đối tượng này phải trả lại tài sản. 

Tuy nhiên thủ tục khởi kiện rất phức tạp và mất nhiều thời gian, rất khó có cơ chế đảm bảo để bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành một cách nghiêm túc như bản án hình sự. Khi tham gia vụ án dân sự thì những người này được xác định là nguyên đơn trong vụ án dân sự và yếu tố tác động, ảnh hưởng đến số phận pháp lý của công ty này, những đối tượng của công ty sẽ không cao nên cơ hội đòi tiền là khá thấp.

'Bộ sậu' Địa ốc Alibaba bị bắt, cơ hội nào cho nhà đầu tư đòi được tiền? - 1
25 tuổi, Luyện bắt đầu lập công ty môi giới BĐS. Ảnh: Nguồn internet

Hiện nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang tiến hành hoạt động điều tra, bởi vậy nếu khách hàng nào đã nộp tiền cho cá nhân và công ty này thấy rằng mình đã bị các đối tượng đưa ra thông tin gian dối, sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì cần có đơn trình báo cho cơ quan công an và đề nghị tham gia vụ án hình sự với tư cách là người bị hại, khi đó cơ hội đòi lại tiền sẽ cao hơn. 

Còn đối với những người nhận thấy mình không phải là người bị hại, không bị các đối tượng đưa ra thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, việc nộp tiền, tài sản cho công ty này là hoàn toàn tự nguyện, biết rõ các giao dịch này là vô hiệu nhưng vì ham lợi nên vẫn tham gia thì có thể khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu tuyên hủy bỏ hợp đồng, giao dịch nhằm lấy lại tài sản.

Với những người bị lừa đảo nhưng không khai báo, không trình báo thì cũng không có cơ hội nhận lại tài sản. Với những đối tượng cầm đầu của công ty này bị bắt thì cơ quan công an cũng sẽ làm rõ vai trò của cá nhân và của pháp nhân. Trong trường hợp pháp nhân là công ty Alibaba có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đến mức độ được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì cũng có thể khởi tố hình sự đối với pháp nhân theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bị bắt thì những người khác sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ của công ty, có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của công ty này đối với khách hàng theo các giao dịch mà pháp nhân này đã xác lập trước đó.

Theo Thắng Lê (Giadinh.net.vn)

 

Nổi bật