Lãi suất chênh lệch thấy rõ
Theo thống kê của VietNamNet đối với biểu lãi suất huy động online tại các ngân hàng, VietBank đang có lãi suất cao nhất lên tới 9,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
SCB là ngân hàng cuối cùng giảm lãi suất, nhưng nhà băng này vẫn thuộc nhóm dẫn đầu thị trường về lãi suất huy động. Các kỳ hạn từ 1-5 tháng vẫn ở mức 6%/năm như phần lớn các ngân hàng khác, nhưng lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại SCB lên tới 9%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 7-11 tháng giảm xuống còn 8,9%/năm, trong khi các kỳ hạn 12-13 tháng đang có lãi suất 9%/năm, giảm 0,5% so với đầu tuần. Từ kỳ hạn 13 tháng trở lên, lãi suất huy động online tại SCB lại giảm về mức 8,95%/năm.
Ngân hàng VPBank áp dụng lãi suất tiền gửi online với khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng các kỳ hạn 6-11 tháng là 8,8%/năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12-15 tháng là 9,2% và kỳ hạn 18 tháng trở lên là 9,3%/năm. Đối với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 8,9%/năm, kỳ hạn 12-15 tháng là 9,3%/năm và kỳ hạn từ 18 tháng trở lên là 9,4%/năm.
Ngân hàng Đông Á còn cộng thêm biên độ lãi suất theo số tiền gửi. Khách hàng gửi số tiền từ 200 triệu đồng đến nhỏ hơn 500 triệu đồng được cộng thêm 0,05% lãi suất; từ 500 triệu đồng đến nhỏ hơn 1 tỷ đồng được cộng thêm 0,1% lãi suất; từ 1 tỷ đồng đến nhỏ hơn 5 tỷ đồng được cộng thêm 0,15% lãi suất; từ 5 tỷ đồng đến nhỏ hơn 10 tỷ đồng được cộng thêm 0,2% lãi suất; từ 10 tỷ đồng trở lên được cộng thêm 0,25% lãi suất.
Diễn biến lãi suất có phần bất ngờ tại HDBank khi ngân hàng công bố lãi suất huy động online kỳ hạn 7-11 tháng chỉ 6,9%/năm, lãi suất kỳ hạn 15-36 tháng cũng chỉ từ 6,9-7,1%/năm.
Tuy nhiên, dường như HDBank hướng người gửi tiền đến các kỳ hạn 6 tháng và 13 tháng nên lãi suất huy động đối với hai kỳ hạn này lần lượt là 9% và 9,2%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm.
Hiện lãi suất huy động online cao nhất thuộc về Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Lãi suất các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên tại OCB đang ở mức 9,3%/năm, trong khi các kỳ hạn ngắn hơn chỉ có lãi suất cao nhất 8,8%/năm.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABB) cũng duy trì mức lãi suất lên đến 9,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 15 tháng trở lên, trong khi lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 8,6%/năm.
Dưới đây là biểu lãi suất huy động online tại các ngân hàng ngày 10/3/2023 (đvt: %):
Với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, 4 ngân hàng Agribank, VietinBank, Vietcombank và BIDV mới chỉ giảm lãi suất huy động tại quầy, trong khi lãi suất huy động online vẫn được giữ nguyên từ tháng 2.
Tại Agribank, lãi suất huy động online kỳ hạn 1-2 tháng đang áp dụng 5,1%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5,6%/năm, phải đến kỳ hạn 6-9 tháng mới có lãi suất 6%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn 12 tháng trở lên vẫn duy trì mức 7,4%/năm.
Trong khi đó, Agribank niêm yết lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 1-2 tháng là 4,9%/năm, 5,4%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng, 5,8%/năm đối với kỳ hạn 6-11 tháng. Lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng đã giảm nhẹ từ 7,4% xuống 7,2%/năm.
BIDV vẫn duy trì lãi suất huy động online kỳ hạn 1-5 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng là 7,9%/năm, kỳ hạn 12-13 tháng có mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm và kỳ hạn 15 tháng trở lên lãi suất 7,8%/năm.
Đối với lãi suất huy động tại quầy của BIDV, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 4,9%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5,4%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 5,8%/năm, và kỳ hạn 9 tháng là 5,9%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng đã được BIDV giảm từ 7,4%/năm xuống 7,2%/năm.
Ngân hàng Vietcombank cũng duy trì lãi suất online kỳ hạn 1-3 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 6,5%/năm, và kỳ hạn 12 tháng là 7,4%/năm. Mức lãi suất huy động tại quầy cũng được Vietcombank áp dụng tương tự như tại BIDV.
Cuối cùng, lãi suất huy động online tại ngân hàng VietinBank các kỳ hạn 1-5 tháng là 6%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng là 7,8%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên là 8,2%/năm. Lãi suất huy động tại quầy của VietinBank cũng đang được áp dụng tương tự như tại BIDV và Vietcombank.
Ngân hàng có muốn giảm lãi suất?
Có thể thấy, các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động trên diện rộng. Tuy nhiên, mức giảm lại không đồng đều, nhất là giữa lãi suất huy động tại quầy và lãi suất huy động online.
Trong đợt hô hào giảm lãi suất huy động vừa qua, cả 4 ngân hàng nhóm Big4 này đều giảm lãi suất huy động tại quầy nhưng lãi suất huy động online dường như bị “quên”, hoặc giảm rất nhẹ.
Ngay cả việc có giảm lãi suất huy động online, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài nếu có cũng giảm không đáng kể.
Điển hình như OCB vẫn đang áp dụng lãi suất 9,3%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi từ 12 tháng trở lên. Hay như HDBank áp dụng lãi suất huy động online kỳ hạn 7-11 tháng chỉ 6,9%/năm, nhưng kỳ hạn 6 tháng và 13 tháng có lãi suất lần lượt 9% và 9,2%/năm.
Thậm chí, ngân hàng VietBank vẫn duy trì lãi suất huy động online lên tới 9,5%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Việc duy trì chênh lệch lớn lãi suất giữa các kỳ hạn khiến cho khách hàng không mấy tỏ ra sốt sắng trong việc tranh thủ gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao trước thời hạn 6/3 (thời hạn cuối cùng các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất).
Trao đổi với PV. VietNamNet, nhân viên quầy giao dịch ngân hàng HDBank tại Hà Nội, cho biết, dù thông tin lãi suất sẽ giảm nhưng lượng khách đến ngân hàng gửi tiền không tăng trong 1 tuần trở lại đây.
Trong khi đó, chị Hạnh Nguyễn, một khách hàng gửi tiền tại VietinBank, chia sẻ, có vài trăm triệu đồng sắp đáo hạn, chị từng có ý định rút tiền tại ngân hàng này để gửi tại một ngân hàng quy mô nhỏ hơn để hưởng lãi suất cao. Tuy nhiên, theo dõi lãi suất huy động online mấy tuần qua chị quyết định giữ lại khoản tiền gửi online tại VietinBank.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)