Gọi vốn buôn nhà lãi suất 35%/năm: Hám lợi cao, coi chừng điều đáng sợ

07/09/2020 08:44:55

Doanh nghiệp bất động sản “khát vốn” đang tung ra những lời mời chào hấp dẫn góp vốn đầu tư hưởng lợi nhuận 36%/năm, mua trái phiếu lãi suất 18%/năm khiến giới chuyên môn choáng váng.

Lợi nhuận “khủng”

Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội vừa ban hành quyết định về “chính sách tri ân đặc biệt gói hợp tác kinh doanh”.

Theo đó, khách hàng tham gia gói 3 tỷ đồng, sẽ được hưởng lãi suất tới 35%/năm, nhận trong 24 tháng, được tặng xe Mercedes hoặc căn chung cư trị giá gần 2 tỷ đồng, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.

Khách hàng tham gia gói 2 tỷ đồng, được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, được tặng xe Hyundai Santa Fe hoặc bất động sản có giá trị tương đương, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.

Khách hàng tham gia gói 1,5 tỷ đồng được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, tặng xe Mazda 3, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.

Khách hàng tham gia gói 1 tỷ đồng được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, tặng xe VinFast Fadil, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.

Chính sách này kéo dài từ ngày 1/9 đến 31/10/2020.

Gọi vốn buôn nhà lãi suất 35%/năm: Hám lợi cao, coi chừng điều đáng sợ
Khát vốn, doanh nghiệp bất động sản tìm mọi cách mời gọi đầu tư

Một doanh nghiệp khác tại TP.HCM đang chào mời mô hình hợp tác kinh doanh nhà trọ cho thuê, với phương thức đầu tư góp vốn 40 triệu đồng sở hữu một phòng trọ. Người góp vốn được hưởng lợi nhuận hàng tháng là 1,2 triệu đồng, trong suốt 30 tháng, sau khi kết thúc hợp đồng nhận lại tiền gốc 40 triệu. Hoặc đầu tư 600 triệu đồng, sở hữu 15 phòng trọ. Lợi nhuận hàng tháng hưởng 18 triệu đồng, kéo dài trong 30 tháng, sau khi kết thúc hợp đồng, nhận tiền gốc 600 triệu đồng.

Mức cam kết lợi nhuận chung cho các nhà đầu tư góp vốn là 36%, nhà đầu tư có quyền thoái vốn sau 12 tháng với lợi nhuận là 25%/năm.

Trong khi đó, một doanh nghiệp bất động sản nữa cũng vừa thông qua phương án phát hành 30 triệu trái phiếu với lãi suất lên tới 18%/năm, kỳ hạn 5 năm, lãi suất trả vào kỳ cuối cùng, phân chia lợi nhuận vào giai đoạn cuối của dự án. Tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Số tiền này để phát triển từ 3-5 dự án lớn.

Theo doanh nghiệp này, do dịch Covid-19, giá bất động sản đang hấp dẫn. Nhưng sau 2-3 năm nữa, với vị trí đắc địa, giá sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Mức lãi suất 18%/năm đưa ra là kỳ vọng việc giá bất động sản sẽ tăng mạnh sau khi hết dịch.

Đây được xem là trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất “khủng” nhất trong nhóm trái phiếu bất động sản trên thị trường. Hiện lãi suất phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chỉ từ 10-13%/năm và đang có xu hướng giảm dần.

Rủi ro rình rập

Các chuyên gia kinh tế cho rằng lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao. Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khủng hoảng, chưa rõ khi nào sẽ hồi phục. Với mức lợi nhuận “khủng” như trên càng phải cân nhắc kỹ càng.

Câu hỏi đặt ra là nếu có những phương án kinh doanh tốt, dự án có chỉ số sinh lời cao, tại sao doanh nghiệp không tìm đến các ngân hàng để vay vốn? Lãi suất dài hạn ngân hàng cho vay hiện khoảng 12%, như vậy, sẽ giúp giảm chi phí vốn và tăng hiệu quả của dự án? Nếu dự án thật sự tốt và hấp dẫn, chắc chắn các ngân hàng sẽ cho vay, thậm chí vay với lãi suất thấp. Phải chăng các dự án của doanh nghiệp chưa đủ sức thuyết phục ngân hàng cho vay?

Gọi vốn buôn nhà lãi suất 35%/năm: Hám lợi cao, coi chừng điều đáng sợ - 1
Rủi ro rình rập nếu các nhà đầu tư cá nhân ham lãi suất cao, không tìm hiểu kỹ

Trong bối cảnh tín dụng dành cho bất động sản bị ngân hàng siết chặt, tới đây phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng bị siết chặt. Phải chăng, các doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh huy động vốn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm?

Phát hành trái phiếu với lãi suất cao hoặc tung ra các “gói hợp tác kinh doanh” với lợi nhuận “khủng” để dụ khách hàng nhỏ lẻ?

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, mức độ minh bạch thông tin của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng không cao. Vì vậy, nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro khi mua trái phiếu hay góp vốn kinh doanh vào những doanh nghiệp thua lỗ, dự án kém hiệu quả.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn ngại công bố thông tin, thậm chí giấu thông tin, báo cáo thông tin tài chính chưa rõ ràng, trong khi tính minh bạch là một trong những điều kiện quan trọng. Hơn nữa, doanh nghiệp huy động vốn như trên, không bị giám sát về giải ngân, sử dụng, nên câu hỏi đặt ra liệu nguồn vốn huy động được, chắc chắn có đầu tư cho dự án hay lại dùng để làm việc khác, vấn đề này rất khó kiểm soát.

Quan trọng nhất là khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và hiệu quả sử dụng nguồn vốn huy động. Trường hợp thất bại, sẽ khó có thể trả vốn và lãi cho nhà đầu tư như cam kết.

Ý kiến các chuyên gia cho rằng, đối với người có nguồn tiền nhàn rỗi, lãi suất cao là quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, cần đánh giá, xem xét kỹ các dự án cũng như năng lực của doanh nghiệp. Điều này thường phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, am hiểu và có khả năng tích tốt. Nhà đầu tư cá nhân hãy cẩn thận, không nên ham lãi cao, vì có thể chuốc rủi ro lớn.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)

Nổi bật