Câu chuyện cô Anna Sebastian Perayil qua đời chỉ 4 tháng sau khi làm việc tại EY Ấn Độ, một trong 4 hãng kiểm toán lớn Big 4 trên thế giới đã bộc lộ mặt tối của ngành này.
Theo bức thư mà mẹ cô Anna tiết lộ, nữ kiểm toán mới 26 tuổi này đã phải làm việc 20 tiếng mỗi ngày, bị gọi dậy lúc nửa đêm rồi lại phải tiếp tục đi làm vào 6h sáng. Tất cả chỉ vì người sếp của cô muốn sắp xếp lịch trình đi xem một trận bóng gậy.
Hình ảnh nữ kiểm toán kiệt sức, thường xuyên bỏ bữa và không có thời gian cho cuộc sống cá nhân chỉ là một trong vô số những lao động cùng ngành khác phải chịu đựng trên toàn thế giới.
Hậu quả của tình trạng này là ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ nghề kiểm toán, bất chấp những lời hứa về cơ hội thăng tiến hay thu nhập cao.
Hy sinh tuổi xuân
Anh Jordan Pixley, một sinh viên kiểm toán của trường Clemson University là một người yêu thích những con số và tính toán.
Thế nhưng khi được hãng kiểm toán KPMG LLP mời đến hội thảo tuyển dụng, anh Pixley đã từ chối.
Đến lúc tốt nghiệp, Pixley không có lời mời việc làm nào và anh quyết định nhập ngũ. Không phải là chàng trai 22 tuổi này không xin được việc mà nỗi sợ phải làm 70-80 tiếng mỗi tuần với những công việc nhàm chán và thời hạn (deadline) gắt gao khiến anh bỏ cuộc.
"Tôi phải nói thật là dù có yêu số má và tính toán đến đâu thì tôi cũng rất sợ những công việc nhàm chán như vậy thay vì các nhiệm vụ thú vị hơn như phân tích số liệu. Tôi không biết liệu mình có dám hy sinh tuổi xuân để trụ lại được với nghề hay không nữa", anh Pixley than thở.
Câu chuyện của Pixley chỉ là một phần nhỏ của vô số những bạn trẻ Mỹ thời nay khi họ ngán ngẩm với ngành kiểm toán.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), hơn 300.000 kiểm toán viên tại Mỹ đã bỏ việc trong 2 năm qua, tương đương mức giảm 17% lao động trong ngành.
Tệ hơn, số lượng sinh viên mới ra trường không đủ để lấp đầy khoảng trống nhu cầu do ngày càng nhiều bạn trẻ từ chối "hy sinh" tuổi xuân cho một công việc vất vả.
Số liệu của Tổng cục thống kê lao động Mỹ (BLS) thì cho thấy lượng chuyên gia kiểm toán chuyển việc ngày càng nhiều kể từ năm 2019 và phần lớn là sang các ngành như tài chính hay công nghệ.
Tệ hơn, thời gian để nhà tuyển dụng tìm lao động thay thế cho công việc kiểm toán tại Mỹ cũng gia tăng từ 46 ngày trong năm ngoái lên 56 ngày, chứng tỏ cầu cao nhưng cung yếu.
Giám đốc Keith Wolf của hãng tuyển dụng Murray Resources cho biết trong khi những sinh viên hứng thú với số má vẫn tuyển chọn ngành kiểm toán thì ngày càng nhiều bạn trẻ Mỹ từ chối mảng này do lo sợ một nghề chỉ ngập trong số liệu và deadline.
Theo ông Wolf, có rất nhiều cách để tham gia kinh doanh và kiểm toán chỉ là một công cụ trong số đó.
"Có rất nhiều lựa chọn vậy nên các bạn trẻ Mỹ đặt câu hỏi tại sao họ lại phải dấn thân vào con đường khó nhằn là kiểm toán?", ông Wolf cho biết.
Hãng KPMG cho biết họ đã phải xem xét giảm thời gian làm thêm (Overtime) cũng như khối lượng công việc cho nhân viên trong mùa cao điểm.
Công ty cũng quảng cáo rằng nhân viên mới vào làm năm 2023 sẽ thu nhập cao hơn 5-15% so với người gia nhập năm 2022. Trong 12 tháng qua, KPMG đã có 3 lần tăng lương với phần lớn nhân viên.
Tuy nhiên những con số này chẳng khiến người lao động hào hứng hơn khi nghề kiểm toán được ví von như "đi tù" khi nhân viên ngập trong số liệu mà chẳng có thời gian cho cuộc sống cá nhân.
Việc thường xuyên phải tăng ca, áp lực deadline hay bị gọi dậy lúc nửa đêm là chuyện bình thường trong nghề và vụ việc của Anna tại EY Ấn Độ chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Tuyệt chủng
Tờ Business Insider (BI) cho hay nghề kiểm toán từ lâu đã bị coi là nhạt nhẽo, buồn chán với số má và sổ sách, đi kèm với công thức và những bảng biểu theo mẫu, khiến thế hệ trẻ tại Mỹ chẳng hề hào hứng so với những thế hệ trước đây.
Đi kèm với đó, ý thức về việc cân bằng cuộc sống của giới trẻ, tiền thi cử quá đắt còn học hành chứng chỉ quá khó cũng khiến nghề kiểm toán bị đánh giá là trên con đường "tuyệt chủng" (Endangered Species).
"Mức lương thì tệ, giờ làm việc dài và công việc thì vất vả", kiểm toán viên đã nghỉ hưu Richard Rampell sống tại South Florida ngán ngẩm nói.
Ngay cả Viện kế toán công chứng Mỹ (AICPA) cũng đăng một video có tiêu đề "Nghề kiểm toán: Không dễ như mọi người tưởng" trên chính trang web của mình.
Một ứng viên thi CPA sẽ phải có bằng thạc sĩ kế toán để học tiếp 150 tín chỉ. Sau đó là kỳ thi CPA khắc nghiệt bằng tiếng Anh với 4 bài kiểm tra trong 18 tháng.
Chưa hết, ứng viên sẽ phải dành 1 năm làm việc dưới sự quản lý của một kiểm toán có chứng chỉ CPA trước khi được cấp phép.
Đó là chưa kể đến những khoản lệ phí, học phí để tham gia các khoa học thi CPA.
Tốn kém là vậy nhưng mức lương của kiểm toán có chứng chỉ CPA lại chẳng khá hơn là bao nhiêu. Những sinh viên ngành tài chính có thể dễ dàng đạt mức thu nhập cao hơn kiểm toán viên sau khi tốt nghiệp đại học bằng các mảng chứng khoán, đầu tư, bất động sản...mà lại còn cảm thấy thú vị trong công việc hơn là chỉ ngồi bàn giấy soi sổ sách.
Ví dụ các nhân viên ngân hàng đầu tư mới vào nghề có thể kiếm được hơn 100.000 USD tiền lương cơ bản hàng năm, cộng thêm tiền thưởng hàng chục nghìn USD nữa. Trong khi đó vị trí kiểm toán của một tập đoàn lớn uy tín cho người mới vào nghề chỉ ở mức 72.000 USD/năm.
Thậm chí, các nhân viên ngân hàng dù mới vào nghề cũng được cho là "sang trọng" hơn so với kiểm toán viên.
Những nhân viên ngân hàng này có cơ hội được làm việc trong các nhóm giao dịch tư vấn cho các giám đốc điều hành hàng đầu thế giới về các vụ sáp nhập (M&A) và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) có thể làm thay đổi thị trường.
Họ cũng có xu hướng tiếp cận trực tiếp với các công việc hấp dẫn khác trên Phố Wall tại các quỹ đầu cơ và công ty cổ phần tư nhân.
Trong khi đó, kiểm toán viên chỉ lặng lẽ ngồi trong phòng với các con số và bảng biểu, ngập trong deadline, tăng ca và những bữa trưa vội vàng cùng sự thiếu ngủ.
Theo AICPA, năm học 2021-2022 chỉ có 65.000 sinh viên hoàn thành bằng cử nhân hoặc thạc sĩ về kiểm toán, thấp hơn 18% so với 10 năm trước.
Trong số những người học kiểm toán thì chỉ một phần thi chứng chỉ nhằm trở thành kiểm toán viên có chứng chỉ chuyên môn (CPA). Năm 2022, khoảng 30.000 người Mỹ đã tham gia kỳ thi chứng chỉ kiểm toán CPA, thấp hơn so với 50.000 người tham dự năm 2010.
Xin được nhắc rằng khoảng ¾ số kiểm toán viên công chứng có chứng chỉ hành nghề CPA tại Mỹ đã hoặc sắp nghỉ hưu vào năm 2019. Điều này cho thấy một khoảng trống lớn về công việc đang diễn ra trong ngành kiểm toán ở Mỹ.
Tờ BI nhận định áp lực quá lớn từ nghề kiểm toán, thậm chí là ở các công ty kiểm toán lớn Big 4 đang khiến giới trẻ ngày này từ bỏ ngành này dù có đam mê tính toán đến đâu đi chăng nữa.
Đồng quan điểm, giáo sư Amal Shehata của trường Đại học New York, đồng thời là kiểm toán viên từng làm việc cho PricewaterhouseCoopers (PwC) trong 10 năm, nói đùa rằng chẳng ai mơ làm kiểm toán viên khi bắt đầu sự nghiệp, có chăng chỉ là tình thế bắt buộc họ phải theo ngành này.
"Thật khó để tô son vẽ phấn cho một thứ xấu xí. Sự thật là chẳng có yếu tố hấp dẫn nào trong nghề kiểm toán đâu", ông Richard Rampell, người từng điều hành công ty kiểm toán riêng của mình tại West Palm Beach trong 45 năm cho biết.
Theo Băng Băng (Nhịp Sống Thị Trường)