Giới địa ốc “lạnh gáy” vì bà Nga Housing bị bắt

14/01/2015 09:36:09

Liên tiếp thời gian vừa qua, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam nhiều đại gia bất động sản có tiếng tăm lừa đảo người mua nhà. Đây là hệ lụy của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển “nóng” thiếu kiểm soát.

Liên tiếp thời gian vừa qua, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam nhiều đại gia bất động sản có tiếng tăm lừa đảo người mua nhà. Đây là hệ lụy của một thời gian dài thị trường bất động sản phát triển “nóng” thiếu kiểm soát.

Vụ việc bà Châu Thị Thu Nga – Chủ tịch Tập đoàn Housing bị bắt vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã gây xôn xao dư luận. Tội trạng của bà Nga đã rồi đây sẽ được cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật làm rõ nhưng từ vụ việc này khiến nhiều doanh nghiệp đang làm ăn giống kiểu bà Nga phải lo ngại.

Bởi giai đoạn trước, từ thời điểm trước 2008 trở lại đây, thị trường bất động sản đã phát triển “quá nóng”, việc cấp dự án diễn ra ồ ạt thiếu kiểm soát. Đặc biệt những năm 2008-2011 (thời điểm trước khi có nghị định 71), mọi hoạt động đầu tư xây dựng dự án diễn ra khá dễ dàng. Doanh nghiệp bất động sản chỉ cần có ít vốn đủ để “chạy” Sở ngành xin được phê duyệt chủ trương là đã có thể bán nhà dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Nhiều dự án đã được bán lúa non khi chưa đủ thủ tục pháp lý. Về phía nhà đầu tư, thời điểm đó chỉ cần bán hợp đồng góp vốn là đã có lãi tiền tỷ, tiền trăm nên nhà nhà rủ nhau đi buôn bất động sản.
 

Dự án B5 Cầu Diễn cũng bị bỏ hoang 8 năm nay trong khi tổng số tiền bà Nga đã thu khoảng 600 tỷ đồng

Bắt đầu thời điểm 2010,  hàng loạt các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các dự án liên tục bị phanh phui. Trong đó, vụ việc lớn nhất xảy ra tại công ty CP 1/5, cả bộ sậu lãnh đạo công ty này đã phải chịu án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của hơn 300 khách hàng mua nhà tại dự án Thanh Hà. Theo đó, ông Lê Hòa Bình – giám đốc công ty 1/5 đã bán khống hàng trăm lô đất thu của khách hàng hơn 800 tỷ đồng và không có khả năng chi trả. Vụ việc đã được đưa ra xét xử giữa năm 2014.

Ngay sau đó, công an Hà Nội bắt vụ Lê Hồng Bàng (nguyên giám đốc sàn giao dịch BĐS Việt Nam) đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 400 khách hàng mua nhà. Thủ đoạn lừa đảo của Bàng là lập và bán dự án “khống”. Theo cáo trạng Bàng đã chiếm đoạt 238 tỷ đồng. Mức án tòa phán quyết cho bị cáo Bàng là chung thân.

Liên tiếp thời gian sau đó, các đại gia bất động sản lừng lẫy đã lần lượt vướng vào vòng lao lý cùng với tội trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, có đại gia Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar. Long Megastar là chủ của nhiềudự án nghìn tỷ là dự án Hesco Văn Quán, dự án 409 Lĩnh Nam…Đại gia Trần Ứng Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT công ty Hồng Hà) lừa đảo hơn 200 tỷ đồng tại dự án giãn dân phố cổ….Còn đại gia Hà Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) và Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL) cũng vừa bị CQ CSĐT bắt giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền mua nhà của khách hàng tại dự án chung cư Vietnam Petro Landmark….

Bản danh sách này chắc chẵn sẽ còn tiếp tục dài ra khi còn vô số đại gia bất động sản cũng đã thu tiền bán nhà đất cho khách hàng nhưng triển khai xây dựng.

Một điều tra viên cao cấp của Bộ công an cho biết, hiện Cơ quan này vẫn đang tiếp nhận rất nhiều đơn tố cáo của các khách hàng mua nhà tại các dự án. Đa phần các đơn tố cáo đều tố chung 1 hành vi chủ đầu tư lừa đảo chiếm dụng vốn mua nhà của khách hàng nhưng không triển khai. Nhiều dự án quá hạn giao nhà 3-5 năm mà vẫn không xây xong móng, chủ đầu tư “biến mất”.

Bình luận về việc này, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các dự án bất động sản thời gian qua đã gây nhức nhối dư luận. Đó là hệ quả của việc chủ đầu tư tùy tiện huy động vốn của dân, dùng tiền không đúng mục đích, dùng tiền của dự án này đi làm dự án khác dẫn đến nhiều dự án đều dở dang, mất khả năng thanh toán và thiệt hại rất lớn thuộc về người mua nhà.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành nghị định 71, trong đó quy định rất chặt chẽ về điều kiện huy động vốn. Từ đó, hạn chế được hành vi  huy động vốn tràn lan trên thị trường bất động sản.
 
Trong Luật nhà ở sửa đổi và Luật kinh doanh bất động sản vừa được Quốc hội phê chuẩn cũng sẽ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn. Như doanh nghiệp muốn bán nhà phải bắt buộc có bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành tiến độ, không làm được nhà, ngân hàng phải đứng ra trả tiền cho người mua. Vì vậy, ngân hàng sẽ đứng ra chọn lựa các chủ đầu tư và dự án thực sự đủ năng lực, đủ uy tín mới bảo lãnh. Điều này sẽ hạn chế tình trạng nhiều dự án mới chỉ có tý giấy tờ đã vội đi huy động vốn, rồi lại mang tiền đi làm việc khác. Một quy định mới khác, là chủ đầu tư trước khi bán nhà phải thông báo và được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Tức là chính quyền sẽ thẩm định dự án đã được cấp phép chưa, đã nộp tiền sử dụng đất và đầy đủ các điều kiện chưa mới được quyền bán…
 
>> Vụ bà Châu Thị Thu Nga: Hà Nội sẽ xử nghiêm những người liên quan
>> Vụ Châu Thị Thu Nga - Housing Group: Lộ sai phạm hàng loạt sở, quận, huyện
>> Bà Châu Thị Thu Nga “đánh bóng” tên tuổi như thế nào?
 
Theo Anh Đào (VnMedia.vn)