Những cây lan đạt được giá trị đó phải là những giống lan rừng biến dị gen một cách tự nhiên về màu sắc, hình dáng, lá, cành. Những giò lan đặc biệt này được các "nhà lan học" sẵn sàng bỏ công sức và tiền bạc để có cơ hội sở hữu chúng.
Anh Nguyễn Phong (Hà Đông, Hà Nội), một người chơi lan chuyên nghiệp, khẳng định, với bất kể một người chơi đam mê loài hoa này đều mong muốn sẽ có ngày sở hữu được một cây lan đột biến gen.
"Việc sở hữu một cây lan đột biến cũng giống như có được một món đồ cổ đặc biệt có giá trị. Khi bản thân sở hữu nó sẽ có cảm giác vô cùng hãnh diện, thích thú và hưng phấn. Bởi vậy việc được sở hữu một cây lan đột biến là niềm ao ước của mỗi người thuộc giới chơi lan. Giá trị của chúng thì vô cùng, tùy vào cả người bán và người mua", anh Phong nói.
Cũng theo anh Phong, có nhiều loài lan đột biến gen rất quý hiếm như Phi điệp, Giả hạc, Kiếm huyết đỏ.... có giá tính đo bằng cm chứ không tính cây nữa, mỗi cm có thể lên tới cả chục triệu đồng.
Điển hình, gần đây trên diễn đàn của giới chơi lan có phát trực tiếp một cuộc giao dịch phong lan tiền tỷ khiến nhiều người hoang mang. Tên cây lan này là "Bướm đại ngàn" số tiền hoàn thành giao dịch giữa hai dân chơi này lên tới 1,1 tỷ đồng. Cây lan này đặc biệt chưa hề ra hoa và chỉ dài hơn 20 cm.
"Tôi giao cây này cho anh H với giá 1,1 tỷ đồng, sẽ đảm bảo cây chuẩn, bán đứt gốc (không còn lưu giữ bất kỳ giống của cây này). Khi ra hoa sẽ là hoa màu trắng. Nếu sai tôi sẽ đền gấp đôi số tiền mà anh H đã trả…", người chủ bán cây lan này khẳng định.
Trước đó vài tháng, một giò 5 cánh trắng Kim được bán với giá 700 triệu đồng. Giò lân này chỉ có tổng chiều dài 2m, tính ra mỗi cm thân cây có giá khoảng 3,5 triệu đồng.
Nhưng có rất người hoài nghi về giao dịch này bởi cho rằng đây chỉ là một cách đánh bóng tên tuổi và thương hiệu của những người trồng lan. Nhưng theo một dân chơi lan kì cựu tại đất Hà Thành, giao dịch giò lan đột biến với giá 700 triệu đồng là hoàn toàn có thật.
"Nói về giá bán thì giò lan đó hoàn toàn xứng đáng bởi về độ đẹp, độc, lạ thì cây lan đó đều đáp ứng đủ. Cây lan đó là của một anh tên Long bán cho một người tên Thành ở Hải Phòng. Tôi được biết chỉ sau đó một tuần giò phong lan đó được bán cho một người ở Hòa Bình với giá 1,1 tỷ đồng".
Việc ngày càng có nhiều cuộc giao dịch tiền tỷ trong giới chơi lan không còn là điều hiếm nữa. Bởi trong giới chơi lan chuyên nghiệp việc nhiều người sở hữu những giò lan có giá lên tới tiền tỷ không phải điều hiếm.
Bởi vậy, từ lâu đã xuất hiện những con buôn hoặc nhà vườn mua hàng quý hiếm để nhân giống bán ra thị trường. Nhiều chủ vườn không ngại bỏ ra cả chục tỷ đồng để mua cây về nhân giống, sau đó xuất ra thị trường. Bởi vậy trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều những cây lan lai tạo công nghiệp đội lốt lan đột biến tự nhiên.
Theo anh Trần Khôi (Hà Đông, Hà Nội), người đã có kinh nghiệm hơn 10 năm sưu tập loài hoa này, việc nhận biết cây lan đột biến tự nhiên và lai tạo công nghiệp thường là rất khó, chỉ những người trong nghề mới có thể nhận biết được.
"Việc phân biệt cây lan đột biến tự nhiên và lan nhân tạo thường phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian nở hoa, mùi hương, khuôn cánh, hình dạng lá.... Lan đột biến công nghiệp sẽ thường nở sớm hơn lan tự nhiên từ 2-3 tháng.
Mùi hương của hoa nhân tạo khi nở sẽ rất quen thuộc có thể giống một loại nước hoa hay mỹ phẩm nào đó. Nhưng ở hoa lan đột biến gen tự nhiên thì người chơi sẽ không thể phân biệt được rõ ràng mùi hương của chúng", anh Khôi chia sẻ.
Cũng theo anh Khôi, bởi việc mua bán những loại lan đột biến là khá mơ hồ với nhiều người nên không ít gian thương đã tận dụng để chuộc lợi. Nhiều kẻ đã đưa những cây lan không đột biến lên bán. Những lời cam kết thường gặp là sai sẽ đền gấp đôi, nếu muốn có thể viết giấy cam kết, mua bán.
"Việc mua bán lan chủ yếu là giao dịch qua mạng xã hội, bằng lòng tin nên không lấy gì làm bảo đảm chắc chắn. Ngay kể cả có các điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng những khi mua về lan không nở đúng mong muốn thì nhiều người đành chịu. Bởi đưa ra pháp luật cũng khó giải quyết vì lan có ai định giá một mức thống nhất nào đâu".
Theo Ngọc Lan (Nhịp Sống Kinh Tế)