Báo động chất lượng rau xanh
Vài năm trở lại đây, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ hay GlobalGAP được nhắc tới ngày càng nhiều. Báo cáo sơ kết 6 tháng năm 2022 của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, đến nay nước ta có khoảng 463 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương. Ở nhiều địa phương, sản xuất nông sản sạch trở thành thế mạnh.
Những thông tin về “rau hai luống” ít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người tiêu dùng dần tin tưởng và tìm mua các loại rau quả sạch nhiều hơn.
Thế nhưng, tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM hồi giữa tháng 7/2022, đơn vị này lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra. Kết quả ghi nhận có mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng.
Cụ thể, phát hiện hoạt chất Carbendazim (trị nấm – đang bị cấm sử dụng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới do có nguy cơ gây ung thư cho người) trên các sản phẩm cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh, mồng tơi, húng cây, rau dền; hoạt chất Permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất Cypermethrine (thuốc trừ sâu) trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng, húng cây, rau muống hạt và hoạt chất Imidacloprid (thuốc trừ sâu – nếu vượt quá ngưỡng cho phép có thể gây ngộ độc cho người) trên cải ngọt, cà chua
Đặc biệt, qua kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm tươi sống tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm ở TP.HCM, kết quả khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi giật mình. Có 271/570 mẫu rau quả và trái cây phát hiện dư lượng thuốc BVTV, chiếm tỷ lệ 47,54%. Trong đó, 198 mẫu nằm trong mức giới hạn cho phép, 58 mẫu không nằm trong danh mục cho phép, 20 mẫu vượt mức giới hạn cho phép.
Đáng nói, một số mẫu rau quả phát hiện cùng lúc tồn dư nhiều hoạt chất của thuốc BVTV, trong đó có sản phẩm phát hiện đến 7 hoạt chất thuốc BVTV.
Việc công bố con số về tỷ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc BVTV khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, bất an với chất lượng rau xanh tại chợ mà mình vẫn mua ăn hàng ngày. Song theo lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, khi công bố đơn vị này xác định không thể cứ mãi để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu còn giải quyết.
Thông tin về mức độ an toàn trong rau quả tại chợ đầu mối ở TP.HCM chưa kịp lắng xuống thì người tiêu dùng một lần nữa cảm thấy bàng hoàng vì rau sạch dỏm “biến hình” vào hàng loạt hệ thống siêu thị lớn.
Thậm chí, hàng Trung Quốc cũng được hô biến thành “VietGAP” đưa vào Bách Hóa Xanh.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, một số tiểu thương còn thừa nhận, không phải rau củ VietGAP nhưng vẫn dán loại tem này để cho sạch sẽ, không bị héo và “cho dễ bán”.
Một lần bất tín, vạn lần bất tin
Những năm gần đây, nhiều gia đình sẵn sàng trả mức giá cao để mua rau VietGAP vì an toàn. Nhưng nay, không ít người tự đặt câu hỏi về chất lượng rau VietGAP tại chợ và các siêu thị, cửa hàng tiện tích.
Chia sẻ về câu chuyện chất lượng nông sản Việt trên thị trường, một chuyên gia trong ngành cảm thấy buồn bởi là một nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, song người tiêu dùng Việt Nam vẫn bất an với chất lượng của từng mớ rau, con cá...
Theo vị chuyên gia này, xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng đã khó, giữ được niềm tin còn khó hơn. Trước khi nghĩ tới chuyện xuất khẩu, hãy sản xuất những loại nông sản an toàn, chất lượng tốt phục vụ người Việt mình trước. Như vậy mới có thể phát triển bền vững, đồng thời để thế giới thấy rằng, người Việt Nam cũng tự hào về những điều đó. Ngược lại, nếu tiếp diễn tình trạng làm ăn bát nháo, nhập nhèm nguồn gốc cũng như chất lượng thì nông sản Việt không chỉ đánh mất thị trường nội địa mà còn mất luôn cả thị trường xuất khẩu.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan mới đây dẫn câu chuyện từ một ngôi nhà nghèo nhất Nhật Bản trở thành giàu nhất nước này nhờ trồng xà lách. Thế giới gọi là ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản. Họ thành công vì họ bán niềm tin, bán sức khỏe cho người tiêu dùng, chứ không chỉ bán sản phẩm. Ai làm sai quy trình sẽ bị loại ra khỏi thương hiệu trên.
Ông cho rằng, một lần bất tín, vạn lần bất tin. Trong chuyến công tác Hòa Bình, Bô trưởng cảm thấy buồn khi nghe câu chuyện cam Vinh tăng giá, bà con sẵn sàng lên Cao Phong mua cam về trộn vào cam Vinh để bán kiếm lời. Như vậy là đã mất uy tín.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lượng phù sa ngày càng suy giảm, đất đai suy kiệt do những vòng quay sản xuất không ngơi nghỉ, dịch bệnh thường xuyên hơn. Nông dân đã sử dụng, thậm chí là lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là nông sản tồn dư lượng hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, khiến họ ngần ngại, mất lòng tin.
Hoá chất độc hại còn phá huỷ môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, hệ luỵ là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
"Do đó, nông dân và doanh nghiệp trước hết phải là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bảo Phương (VietNamNet)