Tối ngày 18/3, sau 11 phiên giảm sàn liên tiếp, HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đã quyết định sử dụng một phần tiền từ đợt phát hành hoàn thành vào ngày 21/8/2018 để mua cổ phiếu quỹ, nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông.
Phiên giảm sàn thứ 12 liên tiếp
Thay vì mua 600.000 cổ phiếu quỹ như phương án ban đầu, HĐQT tập đoàn này quyết định nâng số lượng lên gấp hơn 5 lần, mua lại tối đa hơn 3,12 triệu cổ phiếu. Số này tương đương gần 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty.
Tuy nhiên, động thái này của ban lãnh đạo công ty không giúp YEG chấm dứt đà giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp.
Ngay từ khi thị trường mở cửa sáng 19/3, YEG tiếp tục giảm kịch biên độ 7% về mức giá 102.800 đồng/cổ phiếu.
Đây là phiên giảm sàn thứ 12 liên tiếp của cổ phiếu này trong tháng 3, kể từ khi sự cố với YouTube được công bố. Sau 2 tuần, thị giá của YEG đã mất tổng cộng 142.200 đồng, tương đương hơn 58%. YEG cũng trở thành cổ phiếu giảm mạnh nhất từ đầu năm 2019 trên thị trường chứng khoán.
Phiên giao dịch hôm nay chứng khiến sự tăng mạnh của khối lượng cổ phiếu khớp lệnh. Sau 1 giờ giao dịch phiên sáng đã có gần 40.000 cổ phiếu YEG được khớp lệnh. Dù vậy, lượng cổ phiếu dư bán ở giá sàn vẫn còn khoảng 2,08 triệu đơn vị.
Lượng giao dịch này không phải phục vụ việc mua cổ phiếu quỹ của Yeah1. Theo quy định, YEG sẽ chỉ được giao dịch sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận đầy đủ tài liệu liên quan và sau 7 ngày làm việc kể từ ngày công ty công bố thông tin. Và sau khi được phép mua vào cổ phiếu quỹ, tập đoàn này cũng sẽ phải mất ít nhất 10 phiên giao dịch mới có thể gom hết số cổ phần đăng ký.
Trên thực tế, tính đến cuối năm 2018, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Yeah1 vào khoảng 101 tỷ đồng, với tỷ lệ mua vào như trên số tiền này sẽ không đủ để thực hiện toàn bộ giao dịch.
Ai mua bán cổ phiếu của Yeah1?
Ngoài ban lãnh đạo và cổ đông tổ chức lớn tại Yeah1, phần lớn cổ phiếu công ty này đều đang nằm trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài.
Cụ thể, cổ đông lớn nhất tại Yeah1 hiện nay vẫn là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT, với tỷ lệ sở hữu lên tới 36,5% vốn cổ phần, tiếp sau đó là đến ông Hồ Ngọc Tân sở hữu 12,5%. Ngoài ra, các thành viên trong ban lãnh đạo của tập đoàn này cũng đang nắm giữ khoảng 4% vốn.
Tổng cộng, các cổ đông lớn có liên quan tới ban lãnh đạo doanh nghiệp trong nước đang sở hữu khoảng 53% vốn tại Yeah1.
Trong khi đó, dữ liệu giao dịch cho biết tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này hiện vào khoảng 44,09%.
Như vậy, chỉ còn khoảng dưới 3% cổ phiếu trên thị trường, tương đương hơn 900.000 cổ phiếu của Yeah1 nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Phần còn lại đều nằm trong tay các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, 3 cổ đông ngoại lớn tại Yeah1 hiện nay gồm Ancla Asset Limited sở hữu 10,93%; DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd nắm 6,83%; và Macquarie Bank Limited OBU nắm giữ 4,86%.
Đây cũng là lý do trong những ngày qua khi cổ phiếu YEG giảm sàn liên tục các giao dịch cổ phiếu cũng chủ yếu tập trung trong nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
'Cổ phiếu không có thanh khoản'
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia tài chính Phùng Hữu Hạnh, người có chứng chỉ CFA dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính, đánh giá sự cố với YouTube là một rủi ro lớn của Yeah1.
Liên quan đến thị giá cổ phiếu, theo ông Hạnh, Yeah1 đã "bị gậy ông đập lưng ông" khi trước đó đã lách luật để giúp nhà đầu tư không bị hạn chế chuyển nhượng dù doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
"Hồi giữa năm ngoái YEG đã phát hành riêng lẻ nhưng lách luật bằng cách để chủ tịch công ty, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, bán cho nhà đầu tư rồi chủ tịch mua riêng lẻ, và các cổ đông này không bị hạn chế chuyển nhượng", ông Hạnh cho biết.
Cụ thể, hồi tháng 6/2018, Yeah1 đã thực hiện một loạt giao dịch lòng vòng giữa các nhóm cổ đông. Ban đầu, DFJ Vinacapital bán 7,82 triệu cổ phiếu YEG cho ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Tống bán đúng 7,82 triệu cổ phiếu đó cho 6 cá nhân khác. Cuối cùng, 6 cá nhân nhận chuyển nhượng số cổ phiếu trên giao dịch thỏa thuận bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi cổ phiếu YEG niêm yết.
Theo cam kết, ngay sau khi các nhà đầu tư nước ngoài mua 7,82 triệu cổ phiếu, cổ đông nội bộ mua cổ phiếu mới do Yeah1 phát hành với khối lượng bằng 50% số mà nhà đầu tư nước ngoài đã mua. Việc này không thực hiện được do vướng quy định trần room ngoại không quá 49%.
Sau đó, các cổ đông lớn của Yeah1 thống nhất để ông Tống mua toàn bộ số cổ phiếu phát hành mới này, đồng thời Yeah1 làm thủ tục nới room ngoại lên 100% để DFJ mua lại cổ phiếu này từ ông Tống.
Dư luận khi đó chất vấn về loạt giao dịch lòng vòng của Yeah1, và doanh nghiệp đã phải gửi báo cáo giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ông Hạnh nhấn mạnh: lách luật là con dao hai lưỡi và Yeah1 đã chơi dao để bị đứt tay. "Quy định hạn chế chuyển nhượng có giá trị của nó, Yeah1 thích mạo hiểm thì sẽ không quản trị được rủi ro thôi".
"Khi có sự cố và cổ phiếu giảm sâu so với giá phát hành 300 ngày trước, khả năng cao là chính đối tác đó đã bán cắt lỗ. Họ càng bán, cổ phiếu càng giảm sàn, vì giờ cổ phiếu YEG thực chất không có thanh khoản. Nếu chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ bán ra, cổ phiếu của một doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu cô đặc như Yeah1 khó có thể giảm sâu như vậy", ông Hạnh nói.
"Việc này tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thế nào thì phải chờ đại hội cổ đông và một thời gian nữa mới tỏ tường", ông nói.
Sau khi sự cố YouTube xảy ra, Công ty chứng khoán TP.HCM đưa ra dự báo trong kịch bản xấu nhất là Yeah1 Group không đạt được một giải pháp nào với YouTube, nghiễm nhiên Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là các nhà mạng MCN của YouTube và sẽ không được tiếp tục quản lý kênh của bên thứ ba.
Với kịch bản này, HSC dự báo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ sẽ bị điều chỉnh giảm 83,8% từ dự báo trước đây là 256,7 tỷ đồng (tăng trưởng 64,8%) xuống còn 26 tỷ đồng.
Diễn biến sự cố của Yeah1 với YouTube
- Ngày 3/3, Yeah1 nhận được thông tin từ YouTube về việc chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) sau ngày 31/3 đối với ba công ty có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.
- Ngày 5/3, Yeah1 giải trình thông tin tới nhà đầu tư về thông tin YouTube chấm dứt hợp tác.
- Ngày 11/3, Yeah1 bán lại 100% phần vốn tại ScaleLab cho các chủ sở hữu cũ với giá là 12 triệu USD.
- Ngày 14/3, danh sách kênh thuộc network của Yeah1 chỉ còn hơn 600 kênh, giảm gần 1.000 kênh so với đầu tháng 3, theo số liệu trên trang thống kê Kedoo. Nhiều kênh từng thuộc network của Yeah1 đã được chuyển sang một mạng đa kênh khác có tên Freedom.
- Ngày18/3, HĐQT Yeah1 ra quyết định mua tối đa 3,12 triệu cổ phiếu quỹ
- Ngày 19/3, cổ phiếu YEG giảm sàn phiên thứ 12 liên tiếp, thị giá hiện còn 102.800 đồng/cổ phiếu, giảm 58% so với trước khi công bố thông tin về sự cố với YouTube.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)