Sau một tuần trồi sụt, thị trường chứng khoán trong nước có phiên giao dịch tuần mới (18-22/3) tích cực; các chỉ số chính đều tăng trưởng mạnh ngay từ đầu phiên.
Tính đến 10h50, chỉ số VN-Index trên sàn TP.HCM đang có mức tăng 5,57 điểm (0,55%) hiện ở mức 1.009,85 điểm.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng đã tăng 0,4 điểm (0,36%) lên mức 110,84 điểm. Đây cũng là mức điểm cao nhất của 2 chỉ số này kể từ tháng 10/2018.
Bất chấp thị trường giao dịch tích cực, vẫn có 18 mã giảm sàn trong phiên giao dịch sáng nay. Một lần nữa, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1YEG-6.99% lại chứng kiến phiên tháo chạy.
Ngay khi thị trường mở cửa, YEG đã giảm kịch biên độ về mức 110.500 đồng/cổ phiếu, giảm 7% so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Điều này cũng đánh dấu phiên giảm sàn thứ 11 liên tiếp của YEG sau sự cố thông tin với YouTube.
Tâm lý bán tháo tiếp tục xuất hiện với giới đầu tư nắm giữ cổ phiếu này khi có tới 2,43 triệu cổ phiếu, tương đương 7,8% vốn cổ phần niêm yết của doanh nghiệp này đang bị rao bán ở mức giá sàn.
Tình trạng “trắng bên mua” vẫn tiếp tục diễn ra khiến cả phiên sáng nay mới có vỏn vẹn 4.560 cổ phiếu khớp lệnh giao dịch với giá trị hơn 500 triệu đồng.
Đáng chú ý, có tới 4.370 cổ phiếu là từ các nhà đầu tư nước ngoài bán ra được khớp lệnh cho thấy giao dịch mua - bán của YEG tập trung chủ yếu trong tay khối ngoại.
Với việc hơn 2,43 triệu cổ phiếu YEG đặt lệnh bán ở giá sàn, nếu muốn "giải cứu" cổ phiếu này, nhà đầu tư sẽ phải chi ra ít nhất 268 tỷ đồng để khớp hết lệnh bán hiện tại.
Sau 11 phiên giảm liên tiếp, YEG đã lao một mạch từ vùng giá 245.000 đồng xuống hiện chỉ còn 110.500 đồng/cổ phiếu. Tính ra, cổ phiếu này đã giảm gần 55% thị giá sau hơn 2 tuần.
Vốn hóa tập đoàn này hiện cũng chỉ còn khoảng 3.456 tỷ, trong khi trước đó ở mức hơn 7.600 tỷ đồng.
Từ một cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, hiện YEG đã rơi xuống nhóm cổ phiếu có thị giá tầm trung, dao động trong khoảng 100.000-130.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, nhiều báo cáo phân tích trước đó của các công ty chứng khoán đều đưa ra ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu này trong khoảng 160.000-180.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, những diễn biến tiêu cực từ tâm lý nhà đầu tư và đà bán tháo ngày càng tăng lên khiến YEG giảm sàn hết phiên này qua phiên khác.
“Chỉ một sự cố liên quan YouTube không thể khiến cổ phiếu doanh nghiệp giảm sâu như vậy. Chắc chắn bên trong vẫn còn những câu chuyện mà nhà đầu tư không thể biết. Cũng không loại trừ khả năng, sau sự cố lần này, nhà đầu tư mới giật mình đặt câu hỏi suốt thời gian qua mình đã đổ tiền vào đâu và đã hiểu rõ công ty mình đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực gì hay chưa”, một chuyên gia phân tích nói với chúng tôi.
Dưới góc độ của các chuyên gia chứng khoán, vấn đề của Yeah1 nằm ở mô hình phát triển thiếu bền vững của tập đoàn này khi kinh doanh trên nền tảng có sẵn của quốc tế và việc cổ phiếu thổi giá quá mức trước đó.
Ông Hà Uyên Việt, chuyên gia phân tích của một quỹ đầu tư tại Hà Nội cho rằng sự cố với YouTube làm giảm giá trị của YEG "mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của tập đoàn này”.
Yeah1 từng kêu gọi vốn với 3 trụ cột kinh doanh chính là truyền thông (phim ảnh, quảng cáo, MCN), cổng thanh toán điện tử, và thương mại dịch vụ. Trong đó, cổng thanh toán được kỳ vọng đóng góp 70% doanh số.
Tuy nhiên, đến nay nhân tố chủ lực mang lại nguồn thu cho tập đoàn lại từ quảng cáo trực tuyến, chiếm gần 60%. YEG cũng từng phát triển phần mềm Kash - một nền tảng kết nối KOL và các nhà quảng cáo, nhưng lại thất bại.
Dưới góc độ digital marketing và truyền thông định vị doanh nghiệp với nhà đầu tư, ông Nguyễn Tiến Huy, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DigiPencil, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng Yeah1 đã quá chú trọng vào việc gắn mình với nền tảng YouTube.
Theo ông Huy, ngoài mảng MCN, Yeah1 còn có những mảng phát triển nội dung khác như kênh truyền hình, điện ảnh, hệ thống các fanpage truyền thông... Nhưng Yeah1 dẫn đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực MCN, vì vậy, có lẽ Yeah1 chọn truyền thông về mảng MCN, là mảng có tỷ trọng doanh thu cao nhất và khả năng tăng trưởng nhanh nhất để định vị mình.
“Bằng việc này, ngay khi mảng này có vấn đề thì ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu là điều dễ hiểu”, ông Huy lý giải.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)