Áp dụng công nghệ sản xuất chưa từng được kiểm chứng ở bất kỳ nhà máy sản xuất giấy nào trên thế giới, nhà máy bột giấy Phương Nam không thể làm ra giấy và được rao bán với giá 1.885 tỷ đồng trong khi tổng mức đầu tư là 3.409 tỷ đồng!
Ngày 13.7, ông Mai Văn Nhiều - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đã có thông báo bán đấu giá Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (gọi tắt Dự án), đặt tại tỉnh Long An. “Họ chỉ thông báo sẽ đấu giá nhà máy chứ không mời tỉnh cùng tham gia. Dự án này của trung ương, không phải của tỉnh” - ông Nhiều nói.
Theo thông báo của Vinapaco, đúng 10 giờ sáng 14.7, Công ty Cổ phần đấu giá Việt Nam sẽ mở phiếu trả giá đối với tài sản này. Theo đó, phiếu trả giá đã được nộp trực tiếp hoặc gửi bưu điện trong thời hạn từ sáng 10.7 đến đúng 9 giờ ngày 14.7 với giá khởi điểm 1.885 tỷ đồng, gồm toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho không có nhu cầu sử dụng gắn liền với quyền sử dụng đất thuê trên tổng diện tích 453.755 m2 tại địa chỉ ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Theo hồ sơ, tháng 10.2003, Dự án được UBND tỉnh Long An phê duyệt báo cáo khả thi, với tổng mức đầu tư là 1.487 tỷ đồng, sử dụng công nghệ PR - C - APMP, thiết bị được chế tạo đồng bộ, mới 100% và hình thức triển khai là chìa khóa trao tay, sử dụng cây đay làm bột giấy. Dự án được đầu tư ban đầu bởi Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi - tên giao dịch ở thời điểm đó là Công ty Đầu tư Phát triển Giao thông vận tải thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - một đơn vị xa lạ với lĩnh vực giấy). Sau nhiều năm thực hiện đầu tư mà không thể đưa vào sản xuất, kinh doanh vào tháng 6.2009, theo Quyết định 731/QĐ-TTg, chủ đầu tư Dự án đã được chuyển từ Tracodi sang Vinapaco.
Theo số liệu của Vinapaco, tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án là 1.487 tỷ đồng, tổng mức đầu tư điều chỉnh lần cuối là 3.409 tỷ đồng. Sau khi tiếp quản Dự án, Vinapaco cũng đã triển khai nhiều công việc với mục tiêu đưa Nhà máy vào hoạt động như yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, khi chạy thử có tải, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, nên toàn bộ dây chuyền không thể tiếp tục chạy thử được. Các chuyên gia nước ngoài cũng “bó tay” trong vận hành nhà máy vì dây chuyền công nghệ, vùng nguyên liệu không phù hợp.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, để “dựng” lên Dự án này, vốn của chủ sở hữu chỉ có 39,3 tỷ đồng (chỉ hơn 1% so với tổng mức đầu tư, còn lại là vốn vay). Cụ thể, Dự án vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh. Quá trình đầu tư Dự án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ ký Thư bảo lãnh khoản vay Ngân hàng Societe Generale (Pháp) trị giá 67 triệu Euro cho Dự án. Tuy nhiên, việc Dự án không thể hoàn thành đã khiến Bộ Tài chính phải đứng ra “trả nợ thay”.
Theo tài liệu của Vinapaco, tại thời điểm 31.12.2016, giá trị thẩm định của tài sản này là 1.712 tỷ đồng do đơn vị tư vấn xác định đây là dây chuyển sản xuất đặc thù, trong khi đó trên thực tế đây là dây chuyền được thiết kế dựa trên công nghệ chưa được kiểm chứng trong thực tế sản xuất để cho ra sản phẩm cuối cùng, không có dây chuyền tương tự để so sánh mà phải dựa vào giá trị đầu tư để xác định giá. Công nghệ này cũng chưa từng được áp dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới với nguyên liệu là cây đay hoặc các loại nguyên liệu thực vật tương tự.
Theo Hữu Danh (Dân Việt)