Giải pháp nào để EVN không cắt điện?

18/06/2023 17:15:47

Đến bây giờ người ở thành phố lớn mới thấm thía cảnh mất điện. Mấy năm vừa rồi xu hướng các hộ gia đình không dùng bếp gas nữa mà chuyển sang bếp từ, tiện lợi và không lo nổ bình gas.

Sướng rồi rất khó quen khổ

Thu nhập của dân khá lên một tí thì phòng ngủ, phòng khách rồi thậm chí phòng ăn cũng phải lắp điều hòa nhiệt độ. Giờ nhà nào cũng sắm tủ lạnh mà là tủ lạnh thật to chứa đầy thực phẩm. Điện tiêu thụ cứ thế mà nhân lên. Giờ mất điện, đến bữa không nấu được, tủ lạnh hoá nóng hỏng hết cả thực phẩm, lại đúng vào mùa hè, đêm không ngủ được bơ phờ, nỗi bức bối trong lòng phải có chỗ để xả.

Quen khổ rồi thì không sao. Từ chỗ đang có mà không có nữa mới khổ. Ở đời có những người cứ khổ là phản ứng. Lại có những người từng trải cái khổ nhiều rồi, khổ từ bé rồi thì lại bình thản, ngẫm về cái sự khổ và tự hỏi phải làm sao. Cắt điện thì một là không có điện đủ dùng, hai là điện không tải đến được để dùng. Ngày trước ngay cả dân cư làm công nghiệp cũng có khi không có điện. 

Người dân lòng hồ sông Đà nhường làng mạc cho thuỷ điện tái định cư bên dòng điện toả sáng ngày đêm cũng mãi mới có điện dùng. Đơn giản là dùng điện thì phải có đường truyền tải điện đến và đấy là tiền đầu tư ngành điện phải bỏ ra. Ở nhiều nơi có người tự bỏ tiền xây dựng đường dây và bán lẻ điện, chứ người dùng chẳng được hưởng giá như ở thành phố. 

Giải pháp nào để EVN không cắt điện?
Toàn bộ đồ ăn để trong tủ lạnh chị Nguyễn Thị Thu (thôn Ngọc Bài, huyện Quốc Oai) phải bỏ hết ra ngoài vì sợ thiu.

Nói những câu chuyện ấy để thấy câu chuyện mất điện, không có điện dùng từ xưa rất là đa dạng. Giờ mất điện rộng ở các thành phố lớn mới thành chuyện, mới áp lực này nọ. Chuyện ngày hôm nay thì quả của nó có nhân từ nhiều năm trước chứ chẳng phải bây giờ. 

Chặng đường 10 năm

Để giải bài toán này phải vừa làm ra điện vừa dẫn được điện từ chỗ phát điện đến nơi dùng điện. Phát điện thì phải đầu tư xây dựng nhà máy. Dẫn điện thì phải xây dựng đường dây và các máy biến áp. Thử coi năm 2023 là năm thứ 10 thì năm 2014 là năm thứ 1, để xem trong 10 năm ngành điện làm được việc gì.

Năm 2014, điện thương phẩm đạt 128,43 tỷ kWh, bình quân trên 1.400 kWh/người/năm. Mục tiêu điện thương phẩm năm 2023 là 251,1 tỷ kWh, bình quân hơn 2.500 kWh/người/năm.

Năm 2014, công suất đặt toàn hệ thống khoảng 34 GW và giờ là khoảng 77,8 GW. Nếu xem xét số liệu tài chính thì vốn đầu tư của nhà nước vào EVN năm 2014 là 137,6 nghìn tỷ đồng, còn 2023 là 203,8 nghìn tỷ đồng. Trong 10 năm nhà nước đầu tư thêm cho EVN chỉ 66 nghìn tỷ đồng. 

Theo thời giá bây giờ thì chỉ đầu tư được gần 3 GW thuỷ điện hay nhiệt điện (để so sánh thì thuỷ điện Sơn La công suất 2,4 GW). Thực tế từ 2014 đến giờ, EVN và các công ty con GENCO đầu tư thêm phát điện dưới con số ấy. Ngoài phát điện thì đầu tư truyền tải và mạng lưới phân phối cũng cần nhiều tiền còn hơn phát điện. 

Năm 2014, vay nợ dài hạn của EVN cả mẹ và con là 301 nghìn tỷ đồng, đến 30/6/2022 số nợ giảm còn 284 nghìn tỷ đồng, tức là không vay thêm nữa. Suốt 5 năm trở lại đây, nguyên giá tài sản cố định của EVN mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 50 nghìn tỷ đồng, còn xây dựng cơ bản dở dang thường xuyên rất nhỏ. Những con số ấy cho thấy EVN chẳng có mấy đầu tư phát triển hệ thống điện. Giờ hơn 60% công suất đặt nguồn điện là của doanh nghiệp và tư nhân ngoài EVN. 

Nếu không có những đầu tư này thì chẳng có sản lượng điện bây giờ tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Nguồn lực vốn nhà nước đầu tư cho EVN chỉ có vậy. Còn phần vốn vay thì doanh nghiệp phải lo mà trả lãi. Trong 10 năm, chỉ riêng khoản vay của công ty mẹ đã phả trả lãi vay hơn 80 nghìn tỷ đồng, lớn hơn nhiều vốn đầu tư CSH được bổ sung. 

Câu chuyện cấp bách bây giờ là thiếu điện. Các nhà máy điện lớn nhất vẫn là nhiệt điện như Vũng Áng (6,3 GW), Phú Mỹ (3,9 GW), Sông Hậu (5,2 GW), Duyên Hải (4,4 GW), Long Phú (4,4 GW), Kiên Lương (4,4-5,2 GW), Vĩnh Tân (5,6 GW), Mông Dương (3,4 GW), Ô Môn (2,8 GW), Quỳnh Lập (2,4 GW). Nguồn phát triển thuỷ điện đã cạn kiệt. Thuỷ điện chỉ như Hoà Bình (1,92 GW) cũng chẳng có thêm nữa. Không có thuỷ điện thì phải phát triển nhiệt điện. 

Không làm nhiệt điện than (rẻ) thì chỉ còn cách dùng khí đốt (đắt). Nếu giờ mới lập dự án thì để được phê duyệt, thu xếp vốn và xây dựng nhanh cũng phải 5 năm nữa mới có nhà máy. Nếu làm điện khí đốt thì giá điện là bao nhiêu? Nếu giá bán không khả thi, hiệu quả thì cũng không phê duyệt được. EVN, PVN hay TKV đều phải thoả mãn điều kiện ấy. 

Ai sẽ làm điện?

Giờ nếu không cực đoan quay lưng với điện than thì phải xây dựng nhà máy điện than mới hy vọng đáp ứng nhu cầu điện với giá điện chấp nhận được. Nếu không muốn EVN độc quyền và không thích cả TKV hay PVN thì kêu gọi tư nhân đứng ra đầu tư. Tư nhân cũng chẳng có tiền từ trên trời rơi xuống thì phải để họ phát hành trái phiếu huy động vốn. Khi đấy liệu dư luận có lại nghi ngờ họ “tay không bắt giặc” như trong lĩnh vực bất động sản vừa rồi. 

Không phát hành trái phiếu thì các ngân hàng có vốn nhà nước (Big4) liệu có cấp vốn lớn cho các dự án lợi nhuận thấp của tư nhân? Lại nữa, nếu EVN thí điểm bán mạng lưới điện phân phối để tư nhân mua sỉ điện và bán lẻ cho dân liệu có được hoan nghênh hay là người dùng lại kêu gọi nhà nước can thiệp? 

Giải pháp nào để EVN không cắt điện? - 1
Ta có sản lượng thép 30 triệu tấn/năm, tiêu thụ ít nhất 45 tỷ kWh điện. Ảnh: Hoàng Hà

Chắc chắn không chỉ năm nay mà vài năm tới câu chuyện thiếu điện vẫn định kỳ lặp lại trong những chu kỳ cao điểm. Rất dễ để dư luận coi EVN là tội đồ. Thế nhưng trừng phạt nặng cũng chẳng làm ra điện nếu không giải quyết được gốc của vấn đề. 

Nhà nước liệu có bỏ vốn ra và ra lệnh xây dựng nhà máy điện, xây dựng đường truyền tải không? Chắc chắn không có ai có thẩm quyền đó. Tổng công ty truyền tải điện quốc gia có vốn của EVN 24 nghìn tỷ đồng và vay nợ 50 nghìn tỷ đồng, ngay bây giờ ai có thể ra lệnh cho họ phải xây dựng đường tải điện, trạm biến áp để có thể tải hết điện gió, điện mặt trời? Trình tự để dự án của họ được phê duyệt, để được EVN đầu tư thêm vốn hoặc vay vốn đầu tư còn lâu lắm. 

Câu chuyện thiếu điện ngày hôm nay bắt nguồn từ những quyết định của 5 năm trước, còn bàn đầu tư hôm nay là cho 5 năm sau. Bình quân điện đầu người của Việt Nam xấp xỉ với Thailand, gấp đôi Indonesia và gấp hai lần rưỡi Philippines. Mức độ tiêu thụ này chẳng phải là yếu kém. 

Ta có sản lượng thép 30 triệu tấn/năm. Sản lượng này tiêu thụ ít nhất 45 tỷ kWh điện, bằng 1/5 lượng tiêu thụ cả năm. Lúc này là lúc cần phải nhìn lại việc tiếp tục thu hút đầu tư sản xuất tốn năng lượng. 1 kWh điện tiêu thụ tương ứng 1,4 USD GDP là mức độ sử dụng năng lượng thuộc loại không bình thường so với các nước xung quanh. Câu chuyện điện không chỉ là ở việc làm ra điện mà còn sử dụng điện như thế nào.

Tóm lại, câu chuyện điện không thể duy ý chí và nhìn nhận cảm tính được. Trước mắt vẫn phải xây dựng một số nhà máy điện than lớn nữa, chứ nói không ngay bây giờ thì có lúc điện dân sinh phải phân phối. 

Song song, điện khí cũng cần đầu tư thêm dù phải chấp nhận giá có thể đắt. Điện hạt nhân rồi cũng phải cân nhắc trở lại. Thuỷ điện chắc chắn chỗ nào khai thác được vẫn làm nhưng không còn quy mô lớn. Điện gió và mặt trời sẽ phát triển hài hoà với hệ thống chứ cả nước phụ thuộc chính vào chong chóng gió và pin mặt trời thì chưa thấy nước nào làm được. Lúc này nhập được điện là tốt, mà muốn nhập cũng chỉ nhập được chừng 2% sản lượng tiêu thụ mà thôi.

Theo Vũ Minh (VietNamNet)

Nổi bật