|
Doanh nghiệp đầu mối cho biết chênh lệch giá cơ sở với giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu đang ở mức 500-600 đồng một lít. Ảnh: Anh Quân |
“Kỳ điều chỉnh xăng dầu kế tiếp vào ngày 18/9, nếu cơ quan quản lý không cho tăng giá thì có thể chúng tôi phải tìm mọi cách để không tiếp tục bị lỗ", ông bày tỏ.
Đồng quan điểm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm cho biết hiện giá cơ sở so với giá bán lẻ của mặt hàng xăng dầu đang chênh lệch hơn 500 một lít. Nếu cơ quan quản lý điều hành theo nhịp thế giới thì việc tăng giá là chắc chắn. Dù vậy, vị này cho rằng rất khó nói trước bởi còn nhiều vấn đề liên quan, khiến cơ quan điều hành có thể cân nhắc sử dụng các công cụ bình ổn.
"Giá bán lẻ thực ra vẫn ở mức thấp nên nếu sử dụng các công cụ bình ổn thì khi giá tăng cao, quỹ mà cạn thì không còn công cụ để can thiệp. Dù sao, việc điều hành cụ thể phụ thuộc vào cơ quan quản lý", lãnh đạo Petrolimex nói.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thô Brent hiện thấp hơn đầu tháng khoảng 2%. Tuy nhiên, dầu WTI lại nhích lên 2,8%. Những ngày gần đây, giá dầu liên tục biến động trước các tin tức về thị trường chứng khoán toàn cầu, sản lượng dầu thô Mỹ và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng này.
Sau hai phiên giảm liên tiếp, giá dầu thô đã tăng mạnh hôm qua nhờ số liệu dự trữ tại Mỹ giảm. Dầu WTI chốt phiên tăng 5,7%, còn dầu Brent tăng 4,2%.
Phiên hôm nay, giá tiếp tục lên xuống khi nhà đầu tư chờ đợi tin tức từ FED. Đến 3h30 chiều (giờ Hà Nội), giá dầu Brent chỉ còn 49,5 USD một thùng, sau khi đã lên 50,14 USD trong phiên. Còn dầu WTI cũng mất 0,3 USD xuống 46,85 USD.