Giá xăng giảm sâu lịch sử, 'ác mộng' của doanh nghiệp xăng dầu

29/04/2020 09:39:03

Tính trung bình mỗi ngày, PV Oil thu về gần 200 tỷ tiền bán hàng nhưng lại lỗ ròng gần 6 tỷ/ngày. Đây cũng là khoản thua lỗ quý cao nhất doanh nghiệp này đang chịu.

Dịch Covid-19 đang khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, nhất là ngành vận tải. Là các doanh nghiệp cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động vận tải nên Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Petrolimex đang phải “đau đầu” giải bài toán kinh doanh thua lỗ.

Theo đó PV Oil vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với kết quả không khả quan. 3 tháng đầu năm 2020, PV Oil ghi nhận 17.686 tỷ đồng doanh thu, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đà tăng mạnh của giá vốn khiến biên lãi gộp của công ty giảm từ 3,54% kỳ trước xuống còn vỏn vẹn 0,36% kỳ này. Như vậy, kết thúc quý I, lợi nhuận doanh nghiệp này giảm 89%, đạt 64 tỷ đồng.

Giá xăng giảm sâu lịch sử, 'ác mộng' của doanh nghiệp xăng dầu
Tính trung bình mỗi ngày, PV Oil lỗ ròng gần 6 tỷ đồng.

Không chỉ giảm lợi nhuận mà chi phí vận hành của PVOil cũng tăng cao. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng 26%; chi phí bán hàng tăng 9%.

Các yếu tố trên là nguyên nhân trực tiếp khiến lợi nhuận trước và sau thuế của PV Oil âm lần lượt 531 tỷ (cùng kỳ lãi hơn 30 tỷ) và 538 tỷ đồng.

Tính trung bình mỗi ngày, PV Oil thu về gần 200 tỷ tiền bán hàng nhưng lại lỗ ròng gần 6 tỷ/ngày. Đây cũng là khoản thua lỗ quý cao nhất doanh nghiệp này đang chịu. Tính riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ PV Oil cũng là âm 391 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 80 tỷ.

Phía PV Oil lý giải rằng do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu trên thế giới nên sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa 3 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2019, sản lượng bán lẻ giảm khoảng 6% so với bình quân tháng năm 2019. Thêm vào đó, việc liên tục 6 kỳ điều chỉnh xăng dầu đã khiến giá bán lẻ xăng dầu hiện tại thấp nhất trong vòng 11 năm.

Cùng chung “hoàn cảnh”, quý 1/2010, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ước đạt 28.449 tỷ đồng doanh thu, giảm 1.706 tỷ so với cùng kỳ 2019 (-6%), ước lỗ 572 tỷ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỷ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỷ đồng so với kế hoạch 2020, nộp NSNN dự kiến giảm tương ứng khoảng 500 tỷ đồng so với kế hoạch nếu dịch kéo dài đến quý IV.

Đầu tháng 3, Ủy ban chấp thuận về nguyên tắc các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Petrolimex, cụ thể: Doanh thu toàn Tập đoàn 186.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 5.380 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 41.300 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận (sau thuế)/vốn chủ sở hữu là 15%...

Như vậy, với tác động của Covid-19, lợi nhuận của Petrolimex năm 2020 có thể giảm xuống còn 4.237 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu lỗ là do Petrolimex là doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho. Trong khi quý I/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.

Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng bị ảnh hưởng mạnh khi giá dầu xuống thấp. Theo số liệu tài chính hợp nhất Tập đoàn, trong quý 1/2020, tổng doanh thu của PVN ước đạt 88.300 tỷ đồng, giảm 13.194 tỷ so với cùng kỳ 2019 (-13%), tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỷ đồng, giảm 4.580 tỷ so với cùng kỳ năm trước (-50,77%).

Theo báo cáo của PVN, trường hợp giá dầu thô giảm xuống 30 USD/thùng sẽ làm doanh thu bán dầu thô của PVN giảm 55.100 tỷ, tổng doanh thu giảm 141.000 tỷ, nộp ngân sách giảm 27.100 tỷ so với kế hoạch được phê duyệt.

Theo Lê Lan (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật