Bộ Công Thương mới đây đã đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.
Lý do, theo Bộ Công Thương, tỉ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao. Cụ thể, thuế và phí chiếm khoảng 55%-60% đối với mặt hàng xăng và 35%-40% đối với mặt hàng dầu. Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và 11%-20% đối với mặt hàng dầu.
1 lít xăng gánh bảy loại thuế, phí
Đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp (DN) và chuyên gia cho rằng cần giảm các loại thuế, phí mà 1 lít xăng phải cõng để có thể giảm sâu giá xăng xuống mức 7.000-8.000 đồng/lít. Từ đó giúp kéo giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống, kích cầu mua sắm, giúp DN phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, hiện nay giá bán lẻ xăng A95 là 11.939 đồng/lít. Tuy nhiên, theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, cơ cấu giá xăng có bốn sắc thuế gồm: Thuế nhập khẩu 20% (tương ứng 624 đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tương ứng 312 đồng), thuế giá trị gia tăng 10% giá bán (tương ứng 1.085 đồng) và thuế bảo vệ môi trường cố định 4.000 đồng/lít.
Ngoài ra, mỗi lít xăng phải chịu thêm chi phí kinh doanh định mức 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức tối đa 300 đồng/lít, mức trích lập quỹ bình ổn với xăng A95 là 1.400 đồng/lít và lợi nhuận của DN. Tổng của bốn sắc thuế và các loại phí tối đa là 8.771 đồng.
Như vậy, tính chung các khoản thuế, phí trong giá thành 1 lít xăng có khi chiếm đến 73,5%, còn tính riêng các loại thuế chiếm 50,5%. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao dù giá thế giới giảm sâu.
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, từ đầu năm đến nay, doanh thu của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng hóa sụt giảm 40%-50% so với cùng kỳ, thậm chí nhiều hơn. Trong khi đó xăng dầu chiếm 36%-40% giá cước vận tải, cộng thêm phí bến bãi, thủ tục hành chính.
Dù hiện nay giá xăng dầu đã giảm mạnh so với trước đây nhưng các loại thuế, phí trong mỗi lít xăng vẫn còn chiếm tới 50%-70% giá bán là quá lớn. Do vậy, nếu giảm được thuế, phí để kéo giá xăng dầu giảm thêm sẽ giúp kéo mặt bằng giá cả tiêu dùng xuống.
“Khi đó sẽ kích cầu được tiêu dùng, người dân đi lại nhiều hơn, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh từ đó giúp ngành vận tải nói riêng và cộng đồng kinh doanh nói chung phục hồi hoạt động lại tốt hơn. Mặt khác, các đơn vị vận tải có thể tính toán giảm thêm giá cước vận tải” - ông Quản nói.
Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cũng cho rằng hiện giá xăng dầu cõng quá nhiều thuế, phí nên không thể giảm sâu hơn được nữa. Do vậy, giảm bớt các loại thuế, phí là hợp lý. Bên cạnh đó, cần có cơ chế tạo điều kiện cho nhiều công ty tư nhân tham gia kinh doanh xăng dầu bán lẻ trong nước.
“Khi tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường, chống độc quyền thì sẽ giúp giảm giá xăng dầu, DN sẽ được lợi, giảm chi phí” - ông Liêm phân tích.
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn
TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng thời điểm này có cơ sở để giảm giá xăng vì giá dầu thô đã giảm. Thực tế thời gian qua giá xăng đã giảm mạnh nhưng do thuế, phí vẫn còn rất lớn nên không thể giảm hơn được nữa.
TS Thành phân tích, hiện nay người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch và DN cũng gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, xăng chiếm một phần chi phí không nhỏ trong việc đi lại của người dân và chi phí đầu vào của DN. Hơn nữa, lúc này tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm, không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề môi trường thì nên chăng có cơ chế để giảm giá xăng càng nhiều càng tốt.
“Trước mắt, có thể cắt giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu. Sau đó có thể xem xét giảm các loại thuế, phí khác. Bước tiếp theo, tùy vào diễn tiến của dịch, gây khó khăn đến nền kinh tế, ảnh hưởng DN, người dân đến đâu để tiếp tục duy trì hoặc có thể giảm các mức thuế, phí. Việc giảm giá xăng cũng sẽ giúp kéo chỉ số giá tiêu dùng xuống” - TS Thành góp ý.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng để giảm giá xăng dầu nên giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc xem xét giảm các chi phí như lợi nhuận định mức, chi phí định mức.
“Bên cạnh đó, với nền kinh tế thị trường, cần chính sách mở cửa tăng tự do nhập khẩu, tự do bán lẻ để tạo sự cạnh tranh. Khi đó thị trường có thể quyết định giá, nghĩa là giá xăng dầu nên được điều chỉnh theo từng ngày giống giá thế giới thay vì nửa tháng mới điều chỉnh một lần như hiện nay” - TS Hiếu nói.
Giảm thuế để khuyến khích sử dụng xăng sinh học
Trong đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
Lý do là hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 đang ở mức 3.800 đồng/lít. Việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng như hiện nay là chưa phù hợp. Không nên áp dụng một cách cơ học mức thuế 95% mà phải đánh giá dựa vào mức độ khí phát thải khi sử dụng xăng E5.
Dẫn các nghiên cứu đã được thực hiện, Bộ Công Thương cho biết việc sử dụng xăng E5 làm giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO giảm 27,76%, HC giảm 16,23%... so với các loại xăng khoáng thông thường.
Vì vậy, Bộ Công Thương nhấn mạnh cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 dựa theo mức độ phát thải chỉ khoảng 75%-80% mức thuế đối với xăng khoáng.
Tại cuộc họp với Thủ tướng hồi giữa tháng 3, một số ý kiến cũng đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm gánh nặng cho DN trong bối cảnh dịch bệnh. Ví dụ, hiện mỗi lít xăng nhiên liệu bay chịu 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Khi giá xăng dầu giảm sâu, tỉ lệ này có thể chiếm tới 50% chi phí. Đây là thuế gián thu, chiếm tỉ trọng lớn trong mỗi lít xăng, nếu giảm sẽ giúp DN bớt khó khăn.
Theo Quang Huy (Pháp Luật TPHCM)