Vàng thế giới giảm, trong nước treo cao
Trong phiên giao dịch sáng 1/10 trên thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục chịu áp lực bán mạnh sau khi có một đợt lao dốc từ cuối tuần trước và đầu tuần mới trên thị trường Mỹ.
Sau khi lập đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại 2.685 USD/ounce (tương đương 80,9 triệu đồng/lượng), giá vàng giao ngay rớt về 2.660 USD/ounce khi kết thúc tuần 23-27/9 và tiếp tục về ngưỡng 2.635 USD/ounce trong phiên đầu tuần mới trên thị trường Mỹ. Tới sáng 1/10, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á có lúc về ngưỡng 2.625 USD/ounce. Áp lực bán liên tục gia tăng khiến mặt hàng kim loại quý không ngừng điều chỉnh giảm.
Còn tại Việt Nam, giá vàng vẫn tiếp tục tăng lên. Giá vàng miếng SJC sáng 1/10 bất ngờ được điều chỉnh tăng 500.000 đồng, lên 84 triệu đồng/lượng (giá bán ra) ở 4 ngân hàng thương mại và Công ty SJC.
Vàng miếng SJC được điều chỉnh tăng đầy bất ngờ khi liên tục được giữ ở mức 83,5 triệu đồng/lượng (giá bán) trong cả tuần trước đó cho dù đây là thời điểm giá vàng thế giới có nhiều phiên liên tiếp tăng mạnh và đạt mức cao lịch sử hôm 26/9.
Vàng miếng SJC được 4 ngân hàng và Công ty SJC bán giá bình ổn từ ngày 3/6 ở mức 81 triệu đồng/lượng (giá bán) sau khi thị trường vàng trong nước lên cơn sốt nóng, giá vàng miếng hôm 10/5 đạt đỉnh 92,5 triệu đồng/lượng.
Vài phiên sau bình ổn, giá vàng miếng SJC có lúc giảm xuống 76,98 triệu đồng/lượng, trước khi tăng dần theo thế giới và lên 84 triệu đồng/lượng như hiện tại.
Giá vàng nhẫn có một đợt tăng rất mạnh và lập đỉnh cao mọi thời đại ở mức 83,45 triệu đồng/lượng từ 26-28/9, chỉ kém 50.000 đồng/lượng so với giá vàng miếng SJC.
Trong 2 phiên gần đây, vàng nhẫn tròn trơn có điều chỉnh giảm nhưng không đáng kể, vẫn đang ở mức rất cao, khoảng 82,9 triệu đồng/lượng. Với tốc độ tăng nhanh, giá vàng nhẫn được dự báo có thể còn vượt giá vàng miếng SJC.
Giá vàng trong nước tăng mạnh và treo cao ở vùng đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá vàng thế giới đang có xu hướng giảm giữa lúc thế giới có rất nhiều chuyển biến, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
Tình hình Trung Đông được đánh giá là bước vào “thời khắc nguy hiểm”, ở giai đoạn cao trào nhất nhưng lại được nhiều người tin rằng sẽ sớm bước sang một giai đoạn mới ổn định hơn khi Israel đang cho thấy sự áp đảo trong khu vực, trong khi đó các nước/lực lượng khác tỏ ra yếu thế/im ắng hơn rất nhiều.
Nếu Trung Đông ổn định trở lại, vàng thế giới mất một động lực tăng giá quan trọng. Đây có thể là bước ngoặt chấm dứt chuỗi ngày tăng giá mạnh kéo dài từ cuối năm 2023.
Trung Đông có bớt nóng?
Sáng sớm 1/10, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo đã tiến hành các cuộc tấn công trên bộ vào Nam Lebanon. Việc Israel tấn công trên bộ nhằm vào Hezbollah được truyền thông quốc tế xem là thời khắc nguy hiểm tại Trung Đông.
Tuy nhiên, chiến dịch này được thông báo là "có giới hạn, khoanh vùng và có mục tiêu" nhằm vào tổ chức vũ trang Hezbollah ở miền Nam Lebanon. Đây là bước đi tiếp theo sau khi Israel “xóa sổ” phần lớn dàn lãnh đạo Hezbollah, trong đó có thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah - Nasrallah.
Theo Bộ Ngoại giao Israel, tất cả 18 thành viên cấp cao của Hezbollah, gồm cả thủ lĩnh Nasrallah và chỉ huy mặt trận phía nam Ali Karaki cũng như người đứng đầu một số đơn vị bị dán nhãn "đã bị tiêu diệt".
Ông Nasrallah - lãnh đạo Hezbollah hơn 30 năm - được coi là biểu tượng của sự phản kháng với Israel và là người đưa Hezbollah thành lực lượng chính trị và quân sự lớn mạnh như ngày nay.
Hôm 30/9, quân đội Israel cho biết đã tiêu diệt ứng viên thủ lĩnh Hezbollah - Nabil Qaouk - phó chủ tịch "hội đồng trung ương" của Hezbollah. Qaouk được cho là một trong những người kế nhiệm tiềm năng của cố thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah, ông giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự chống lại Israel.
Trong một động thái mới nhất, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định nước này sẽ không triển khai quân đến Lebanon hay Gaza dù nước này luôn lớn tiếng sẽ đáp trả Israel, kể từ vụ Israel ám sát thủ lĩnh Hamas tại thủ đô Tehran của Iran cho đến những diễn biến rất sốc gần đây với lực lượng Hezbollah tại Lebanon.
Thủ tướng Israel Netanyahu hôm 30/9 cảnh báo không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận.
Việc Israel tấn công trên đường bộ vào Hezbollah được xem là thời khắc nguy hiểm, có thể tạo rủi ro về bất ổn lan rộng tại Trung Đông. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây, bao gồm việc “xóa sổ” dàn lãnh đạo Hezbollah cho thấy sự áp đảo của Israel. Nó có thể dẫn tới một giai đoạn bớt căng thẳng, giống như sau cuộc chiến 6 ngày hồi tháng 6/1967 giữa Israel và liên minh các quốc gia Ả Rập.
Nếu điều này xảy ra, giá vàng sẽ bớt đi một động lực tăng giá.
Bên cạnh đó, việc thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng vọt trở lại trong những phiên gần đây sau gói cứu trợ vô tiền khoán hậu của Bắc Kinh ở cả 2 mặt tài khóa và tiền tệ… cũng khiến sức cầu với vàng ở nước này giảm. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có 3 tháng liên tiếp ngừng mua sau 18 tháng mua ròng vàng.
Như vậy, hiện tại, yếu tố quan trọng hỗ trợ cho vàng chính là USD đang trong xu hướng đi xuống khi Mỹ bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất (có thể kéo dài tới năm 2026). Tuy nhiên, những tín hiệu này đã được phản ánh một phần vào sự tăng giá của vàng thời gian qua.
Ngoài ra, căng thẳng tại Ukraine, sức cầu vàng ở châu Á mùa cao điểm cuối năm và khả năng tổng thống mới của Mỹ sẽ tiếp tục bơm tiền khi vào nhiệm kỳ mới (đầu năm tới)… cũng sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho vàng.
Về dài hạn, Trung Quốc vẫn sẽ giảm nắm giữ USD và tăng mua vàng.
Tuy nhiên, trước mắt, tình hình Trung Đông vẫn đang nóng lên theo những bước tấn công trên bộ của Israel vào Nam Lebanon.
Giá vàng thế giới vào tối 1/10 (giờ Việt Nam) trở lại ngưỡng 2.656 USD/ounce. Sức cầu bắt đáy vẫn xuất hiện mỗi khi giá giảm.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)