Ngày 14/4, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC đã tăng giá vàng miếng SJC 250.000 đồng mỗi lượng, lên 47,75 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra lên 48,65 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tại Eximbank tăng 400.000 đồng/lượng, mua vào lên 47,8 triệu đồng/lượng, bán ra 48,6 triệu đồng/lượng.
Tập doàn Doji tăng giá mua vàng 500.000 đồng/lượng, lên 47,8 triệu đồng/lượng, bán ra tăng 400.000 đồng, lên 48,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giữa giá mua và bán của vàng miếng vẫn ở mức cao, dao động trong khoảng 700.000-900.000 đồng/lượng.
Tình trạng loạn giá cũng diễn ra tương tự đối với cả vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn. Cụ thể, vàng nhẫn tròn trơn của thương hiệu Phú Quý hiện giao dịch ở mức 45,7-47 triệu đồng/lượng, tức là chênh lệch giá mua bán lên tới 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, cùng là vàng nhẫn thì tại Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 45,1-46,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn so với giá bán của vàng nhẫn thương hiệu Phú Quý tới gần 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng tiếp tục duy trì khoảng cách chênh lệch khá xa so với vàng nhẫn và vàng nữ trang 24K từ 2.000.000-2.500.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay hiện ở mức 1.724 USD/ounce, thậm chí có thời điểm chạm vùng giá 1.729 USD/ounce, mức giá cao nhất kể từ cuối năm 2012. So với một ngày trước, giá vàng thế giới tăng tới gần 50 USD/ounce, quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá kim loại quý trên thị trường thế giới tăng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới quy đổi tương đương 48,9 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau một thời gian dài giá vàng thế giới liên tục thấp hơn giá vàng trong nước thì hôm nay đã bật tăng dữ dội, cao hơn giá vàng trong nước khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia cho rằng khi hàng loạt ngành kinh tế dừng hoạt động, thị trường chứng khoán vẫn liên tiếp trải qua những cơn biến động lớn khiến nhà đầu tư buộc phải tìm đến vàng như là kênh trú ẩn an toàn đối với nguồn vốn của mình và đó là một trong những nguyên nhân khiến chủ yếu giúp vàng tăng mạnh.
Theo BP (Báo Dân Sinh)