Mở cửa phiên giao dịch ngày 9/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng ở mức 66,4 – 67,4 triệu đồng/lượng. Mức giá này tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với hôm qua. Nhẫn tròn trơn niêm yết ở mức 52,5 – 53,3 triệu đồng/lượng. Mức giá này giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 66,25– 67,25 triệu đồng/lượng. Mức giá này giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Trên thị trường quốc tế, sáng 9/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.786 USD/ounce, tăng 12 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch hôm qua. Theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank (23.550 đồng/USD), giá vàng thế giới khoảng 50 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Thị trường vàng được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu giảm. Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã giảm 0,23% xuống còn 106,38. Đồng bạc xanh suy yếu làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng thúc đẩy đà tăng của kim loại quý. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống còn 2,8%, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Mỹ ở mức 3,209%.
Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 9/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.176 đồng/USD, tăng 1 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 22.550 - 23.400 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tỷ giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) niêm yết ở mức 23.220 - 23.530 đồng/USD (mua vào - bán ra). Mức giá này giữ nguyên so với phiên giao dịch trước đó.
Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)