Giá vàng trong nước
Tính tới 8h30 sáng 3/7, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 49,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,65 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 nghìn đồng ở chiều mua vào và tăng 100 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,74 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 90 nghìn đồng chiều mua vào và tăng 80 nghìn đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 2/7.
Giá vàng thế giới
Tới 8h30 sáng 3/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.776 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.788 USD/ounce.
Đêm 2/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.778 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 năm 2020 trên sàn Comex New York ở mức 1.784 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 38,6% (495 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 50,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, cao hơn 800 nghìn đồng so với giá vàng trong nước.
Vàng thế giới tăng nhanh trở lại sau khi chịu áp lực chốt lời trong phiên liền trước. Sức cầu đối với vàng lớn bất chấp các thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục đi lên.
Vàng tăng giá chủ yếu do đồng USD giảm và các yếu tố cơ bản vẫn hỗ trợ mặt hàng kim loại quý. Đó là lãi suất trái phiếu xuống thấp, lợi suất lao dốc, nợ chính phủ tăng cao trong bối cảnh thanh khoản trong hệ thống ngân hàng các nước dồi dào.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt trên phạm vi toàn thế giới cũng là yếu tố đẩy giá vàng tăng trở lại và chinh phục đỉnh cao 8 năm rưỡi vừa ghi nhận trong hai phiên đầu tuần.
Các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, trong đó có Mỹ và châu Á tăng mạnh trong phiên ngày 2/7 nhờ tín hiệu kinh tế tích cực và hy vọng của giới đầu tư vào vaccines phòng Covid-19. Tuy nhiên, đây không phải là trở lại đối với vàng. Dòng tiền không chỉ chảy vào chứng khoán mà vẫn đổ mạnh vào mặt hàng kim loại quý.
Giới đầu tư đa dạng hóa các loại hình đầu tư, cả vào chứng khoán để kiếm lời cũng như rót tiền vào vàng để đảm bảo sự an toàn trong bối cảnh triển vọng hồi phục của các nền kinh tế không chắc chắn, theo diễn biến của đại dịch Covid-19.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra dự báo cho rằng kinh tế Châu Á sẽ bị thu hẹp “lần đầu tiên trong lịch sử” (giảm 1,6%) trong năm nay, đồng thời cảnh báo khu vực này có thể phải mất vài năm để phục hồi.
Nhiều tổ chức lớn tiếp tục đưa ra dự báo vàng sẽ còn tăng mạnh vào cuối năm nay và trong 2021. Vàng được dự đoán lên mức 2.000 USD/ounce (57 triệu đồng/lượng).
Vàng tăng giá còn do đồng USD giảm và được dự báo sẽ suy yếu trong năm tới do nhu cầu đối với đồng tiền này co lại và triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ. Lượng tiền khủng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bơm thanh khoản vào thị trường cũng khiến USD giảm. Trong tháng 6, đồng USD đã giảm 1%.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 2/7 đa số các cửa hàng vàng giảm giá vàng 9999 bớt khoảng 150-200 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 2/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 49,40 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,55 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 49,26 triệu đồng/lượng (mua vào) và 49,66 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo V. Minh (VietNamNet)