Giá vàng trong nước
Tuần qua, thị trường vàng giao dịch không có nhiều biến động. Giá vàng trong nước quanh mức 55 triệu đồng/lượng. Mở cửa thị trường đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 54,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra).
Sang phiên ngày 18/8, giá vàng tăng 1,3 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 1,1 triệu đồng ở chiều bán ra so với cuối phiên liền trước. Giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,80 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,80 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,47 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1,6 triệu đồng chiều mua vào và tăng 1,95 triệu đồng chiều bán ra so với cuối phiên giao dịch 17/8.
Phiên ngày 19/8, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 56,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,90 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng miếng trong nước tiếp tục giảm 1,45 triệu đồng ở chiều mua vào và giảm 550 nghìn đồng chiều bán ra, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 54,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56 triệu đồng/lượng (bán ra).
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, 22/8, giá giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 55,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100 nghìn đồng ở chiều mua vào và chiều bán ra so với mở cửa hôm qua.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,77 triệu đồng/lượng (bán ra) tại Hà Nội. Giá vàng SJC tại TP.HCM, chiều bán ra là 56,75 triệu đồng/lượng.
Giá vàng quốc tế
Giá vàng tuần qua giao dịch quanh ngưỡng 2.000 USD/ounce và chủ yếu bị chi phối bởi những đồn đoán xung quanh chính sách lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ giảm 4,2 USD xuống 1.942,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 9 trên sàn Comex New York tăng chưa đến 1 USD lên 1.947,4 USD/ounce.
Mặc dù nhích nhẹ trong phiên cuối tuần, song mức tăng này vẫn không đủ để giúp giá vàng thế giới đảo ngược đà giảm của cả tuần. Đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng Ba, kim loại quý này ghi nhận đà giảm giá kéo dài trong hai tuần liên tiếp.
Giá vàng gần đây chịu áp lực giảm là do lợi suất trái phiếu tăng trở lại trong bối cảnh thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực về hoạt động phát triển vaccine chống Covid-19. Bên cạnh đó, một số thông tin tích cực về kinh tế Mỹ cũng khiến các nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng đã bất ngờ quyết định đầu tư vào vàng sau một thời gian dài chỉ trích mặt hàng này là loại hàng hóa không tạo ra giá trị. Ông chủ của Tập đoàn Berkshire Hathaway đã chi 563 triệu USD mua vào gần 21 triệu cổ phiếu của Barrick Gold. Đây là công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết một trong những mối lo ngại là Fed có thể sẽ áp dụng biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất - vốn là "chất xúc tác" mạnh cho đà suy yếu của đồng USD tiếp tục kéo dài.
Nhưng Fed cho biết họ không xem xét điều đó vào thời điểm này. Giới hạn lợi suất trái phiếu có thể làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu Kho bạc Mỹ và gây áp lực lên đồng USD, qua đó thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng.
Trong dài hạn, giá vàng vẫn được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế toàn cầu ảm đạm do dịch Covid-19 kéo dài, lợi suất trái phiếu thấp và căng thẳng địa chính trị leo thang tại nhiều điểm nóng trên thế giới.
Theo Đông Sơn (VietNamNet)