Tính tới 8h30 sáng 14/2, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,30 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100 ngàn đồng chiều mua vào và không đổi ở chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,37 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 50 ngàn đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với cuối phiên giao dịch 13/2.
Tới 8h30 sáng 14/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.577 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.580 USD/ounce.
Đêm 13/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.575 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.577 USD/ounce.
Giá vàng hôm nay cao hơn 22,8% (292 USD/ounce) so với đầu năm 2019. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 43,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 700 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Giá vàng thế giới vọt lên đỉnh nhiều ngày sau khi những thông tin cho thấy tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc nóng rực với số lượng người tăng kỷ lục, báo hiệu diễn biến khó lường, trái với đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Đầu giờ sáng 13/2, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đã bất ngờ công bố số ca nhiễm mới tăng vọt khoảng 7 lần lên gần 15 ngàn người và số người chết là 242 người chỉ trong ngày một ngày 12/2.
Đây là một thông tin sốc đối với thế giới bởi trước đó, số lượng người nhiễm mới có xu hướng giảm và số người hồi phục tăng khá nhanh. Đây là một diễn biến trái ngược với tuyên bố của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ vài giờ trước đó và cũng tiêu cực hơn so với tuyên bố của các nhà lãnh đạo và y tế của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khẳng định Trung Quốc sẽ chiến thắng trong dịch bệnh lần này và một số vấn y tế cấp cao của Bắc Kinh nói dịch bệnh có thể kết thúc vào tháng 4.
Thông tin dịch bệnh tăng bùng phát tại Trung Quốc đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới quay đầu giảm và khiến dòng tiền lại đổ vào các loại tài sản an toàn, trong đó có vàng, USD và một số đồng tiền khác.
Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các chuỗi cung ứng của thế giới tại Trung Quốc bị ngưng trệ và được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến triển vọng của nền kinh tế taonf cầu.
Vàng tăng giá bất chấp đồng USD treo cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hôm 12/2 nhắc lại sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ tại cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ngay cả khi cho rằng dịch viêm phỏi do virus Corona sẽ sớm gây tác dộng tới Mỹ.
Ông Powell cũng đề cập tới việc các nhà máy bị đóng cửa và các lệnh cấm đi lại được ban hành nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh được cho là sẽ khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Bên cạnh đó là lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ giảm, xuất khẩu của Mỹ Trung Quốc cũng giảm…
Trong một động thái mới nhất, Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã hạ dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh tại Trung Quốc.
Theo đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ đạt trung bình 29,3 triệu thùng/ngày, ít hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Dịch bệnh do virus Corona lan rộng ở Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định hạ mức dự báo này.
Một số dự báo cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngập tràn tiền giá rẻ, vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa. Hiện, vàng đã tìm được một ngưỡng hỗ trợ khá mạnh ở mức 1.560 USD/ounce và sẽ hướng lên trên ngưỡng 1.600 USD/ounce.
Trên thị trường vàng trong nước, chốt phiên ngày 13/2 đa số các cửa hàng vàng tăng vàng 9999 thêm khoảng 100 ngàn đồng cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch 13/2, Tập Đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 43,90 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 43,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,32 triệu đồng/lượng (bán ra).
Theo V. Minh (VietNamNet)