Chứng khoán châu Á vừa trải qua một phiên trượt dốc, còn đồng đô la Mỹ hồi phục từ mức thấp kỷ lục trong 3 tháng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ thấp kỳ vọng sẽ nới lỏng tiền tệ đáng kể.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, hôm qua nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ “cách biệt khỏi các áp lực chính trị ngắn hạn”, từ chối đòi hỏi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc phải giảm lãi suất đáng kể.
Tuy nhiên, ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed đang vật lộn với những bất định xung quanh chuyện đánh thuế của Mỹ, khi xung đột của Washington với các đối tác thương mại và việc kiểm soát lạm phát đòi hỏi phải cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang St.Lous, ông James Bullard, nói trên truyền hình Bloomberg rằng ông không nghĩ nền kinh tế Mỹ thê thảm đến mức Fed phải cắt giảm 50 điểm cơ bản trong tháng 7 tới, cho dù ông vẫn ủng hộ hạ lãi suất.
Chứng khoán phố Wall đạt mức cao kỷ lục sau khi Fed để ngỏ cánh cửa giảm lãi suất cơ bản vào đầu tháng sau.
Hôm 24/6, ông Trump viết trên Twitter rằng Fed “không biết mình đang làm gì”, đã “tăng lãi suất quá nhanh” và “thổi vù nó lên” dù lạm phát thấp và tăng trưởng toàn cầu chậm lại.
“Trọng tâm hiện nay là thượng đỉnh G20. Kỳ vọng của thị trường về một bước đột phá ý nghĩa sẽ đạt được trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang khá thấp, nên bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào cũng sẽ là điềm lành với tâm lý sợ rủi ro”, Masahiro Ichikawa, một chiến lược gia cấp cao tại Quỹ quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS đánh giá.
Mỹ hy vọng sẽ nối lại đàm phán thương mại với Bắc Kinh sau khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản nhân dịp thượng đỉnh G20 vào thứ 7 này, nhưng Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào về thuế, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ hôm qua khẳng định.
Hai bên có thể sẽ đồng ý không áp thêm thuế mới như một cử chỉ thiện chí để thúc đẩy đàm phán, vị quan chức nói, nhưng chưa rõ điều đó có xảy ra hay không.
Hôm qua, giá đồng đô la Mỹ so với rổ 6 loại ngoại tệ mạnh khác dừng ở mức 96,177, cao hơn một chút so với ngày hôm trước.
Giá dầu thô đang ở mức cao kỷ lục trong 4 tuần, với 58,87 USD/thùng, sau khi có số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống.
Giá vàng trượt khỏi mức cao kỷ lục trong 6 tháng là 1.438,63 USD/ ounce xuống mức 1.418,18 USD/ounce, sau khi lãnh đạo Fed hạ thấp kỳ vọng sẽ tăng lãi suất vào tháng 7.
Tuần trước, giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong 6 tháng do tâm lý lo ngại các rủi ro kinh tế và địa chính trị, nhưng đà tăng này cũng đối mặt với nhiều rủi ro, chiến lược gia Chris Louney, công tác tại hãng tài chính RBC Capital Markets, đánh giá.
“Các rủi ro đã tồn tại trên thị trường được một thời gian. Thái độ của thị trường đối với những rủi ro ấy cũng thay đổi. Kỳ vọng về Fed, lo lắng về thương mại và địa chính trị là một số yếu tố. Tất cả những điều này cùng tạo nên thay đổi tâm lý”, ông Louney nói.
Đánh giá về tương lai của giá vàng, ông Louney nói rằng vẫn còn dư địa để giá kim loại quý này tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng có khả năng sẽ giảm xuống dưới mức 1.400 USD/ounce trong quý 3 và 4 năm nay.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)