Đấu thầu vàng tiếp tục “ế”
Sáng 8/5, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC với giá sàn (giá tối thiểu các đơn vị trả khi dự thầu) là 86 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC. Có ba đơn vị trúng thầu tổng khối lượng 3.400 lượng với giá là 86,05 triệu đồng/lượng, tương đương mức sàn. Giá này cao hơn khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng so với giá vàng SJC mua vào của doanh nghiệp và thấp hơn giá bán ra 1,3 triệu đồng/lượng.
Như vậy, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ số lô tối thiểu doanh nghiệp được phép đặt thầu, từ 1.400 lượng xuống 700 lượng, điểm tích cực là số thành viên tham gia trả giá và trúng thầu tăng lên so với trước đó. Tuy nhiên, xét về quy mô, phiên gọi thầu sáng 8/5 vẫn còn “ế” tới 13.400 lượng vàng miếng, tương đương gần 80% số lượng vàng gọi thầu.
Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước tổ chức thành công sau 5 phiên đấu thầu. Tổng cộng, cơ quan quản lý mới cung ứng 6.800 lượng vàng miếng ra thị trường. Giá vàng miếng SJC sau khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch sáng 8/5 đã quay đầu tăng lại mốc lịch sử sau kết quả vào buổi chiều khi có kết quả phiên đấu thầu.
Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 85,2 - 87,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối giờ sáng. Giá vàng nhẫn giữ nguyên mức 73,3 - 75 triệu đồng/lượng. Tương tự, Bảo Tín Minh Châu cũng tăng giá 100.000 đồng/lượng lên 85,5-87,5 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới quay đầu giảm còn 2.304 USD/ounce, giảm 10 USD/ounce so với đầu giờ sáng.
Giải pháp chốt hạ: Cho nhập khẩu vàng
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 8/5, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, không nên đấu thầu vàng, vì mục tiêu đấu thầu vàng để kéo giá xuống sẽ không thành công. Hiện, mức chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới là điều “phi lý”. Ông Nghĩa phân tích, giá vàng tăng mãi tác động tâm lý rất lớn.
Điều này khiến dân không yên tâm gửi tiền tiết kiệm và tìm cách mua vàng để tích trữ và bảo toàn. Như vậy, một lượng vốn lớn không đi vào sản xuất kinh doanh. “Giá vàng tăng lên một cách vô lý vì chả có tác động gì mà làm tăng giá, ngoài mỗi chuyện ông độc quyền. Ông không nhập khẩu về hay nói cách khác là ngăn sông cấm chợ”, ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, nếu cho nhập khẩu và quản lý qua hải quan điện tử và thuế sẽ khiến giá vàng hạ nhiệt.
“Phải coi vàng như mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm. Đây là vấn đề của chính sách thương mại chứ đừng coi là chính sách tiền tệ. Nếu không cho nhập thì sẽ nhập lậu. Không nên lo ảnh hưởng đến tỷ giá, bởi hiện nay nguồn cung không có, việc nhập lậu vẫn phải mang USD ra nước ngoài nhập về. Nếu cho xuất nhập khẩu bình thường, người ta lại gia công ra vàng trang sức xuất khẩu lại thu được ngoại tệ về. Với khoảng 3 tỷ USD/năm nhập khẩu vàng về không phải vấn đề lớn, vì hiện xuất khẩu vàng nữ trang cũng đến 3 tỷ USD/năm”, ông Nghĩa cho hay.
Theo ông Trương Văn Phước, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, năm 2012, lần đầu tiên đấu giá vàng đã kéo giảm được giá vàng trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, đặc biệt là trong khoảng 6 tháng vừa qua, thị trường vàng quốc tế đã có sự gia tăng mạnh về giá, bởi nhiều lý do như xung đột, chính sách tiền tệ, lạm phát. Nếu so giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế có lúc chênh lệch quy đổi lên đến 20 triệu đồng/lượng. Đây là lý do Chính phủ liên tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những quyết sách để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
“Giá vàng tăng lên một cách vô lý vì chả có tác động gì mà làm tăng giá ngoài mỗi chuyện ông độc quyền. Ông không nhập khẩu về hay nói cách khác là ngăn sông cấm chợ”.
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn
Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Ông Phước cho rằng, trong bối cảnh phải chờ sửa Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng thông qua đấu thầu vàng là phù hợp. Thực tế vẫn có những hoài nghi cho rằng, lượng vàng đấu thầu là bao nhiêu? Có thể đủ tăng nguồn cung để phần nào giảm áp lực giá vàng trong nước hay không? Theo ông Phước, những băn khoăn này hết sức chính đáng, khi tiếp cận quan điểm đảm bảo cho người dân nắm giữ tài sản (cụ thể đây là vàng vật chất) là nhu cầu chính đáng. Nhiệm vụ của Nhà nước nói chung là làm sao có thể để người dân tiếp cận loại tài sản với một mức giá chấp nhận được.
“Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thể tính đến cách tiếp cận coi vàng là hàng hoá thông thường được người dân nắm giữ và không lo vàng hoá nền kinh tế”, ông Phước nói. Nói về việc đấu thầu vàng lần này của Ngân hàng Nhà nước, ông Phước cho rằng, việc đấu thầu vàng theo mức giá khởi điểm quá sát giá thị trường khiến các tổ chức tham gia đấu thầu e ngại gặp rủi ro, bị lỗ. Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại khía cạnh này.
“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu bổ sung áp dụng phương thức đấu thầu vàng theo khối lượng. Tức là Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán từ đầu và phân phối trong hạn mức vàng bán ra mỗi phiên phù hợp với khối lượng của các tổ chức đăng ký mua vàng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước có thể ấn định giá bán vàng SJC ra thị trường đối với các tổ chức kinh doanh vàng đã trúng thầu. Các tổ chức trúng thầu này về mặt bản chất như là một đơn vị nhận ký gửi hàng từ Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường và được hưởng một mức hoa hồng vài ba trăm nghìn đồng/lượng”, ông Phước cho hay.
Theo Mai Ngọc (Tiền Phong)