Ghi nhận trong ngày cho thấy giá bán USD tại Sacombank liên tục tăng, từ mức 23.000 đồng/USD vào đầu giờ sáng và chốt ở mức 23.070 đồng/USD vào cuối ngày, tăng 58 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Giá bán USD tại Eximbank vào cuối ngày là 23.090 đồng/USD, tăng 90 đồng/USD so với ngày 30-6, trong khi giá bán USD tại ACB lên tới 23.100 đồng/USD, tăng 100 đồng/USD.
So với giữa tháng 6, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng 260 đồng/USD. Tại thị trường tự do, giá bán USD cũng lên tới 23.170 đồng/USD.
Thấy tăng là lên ruột!
Trước biến động của thị trường ngoại tệ, đặc biệt là giá USD liên tục tăng, nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đang đứng ngồi không yên.
Ông V.T.H., giám đốc một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu sắt thép tại Q.11 (TP.HCM), cho hay khi tính toán giá thành bán ra, công ty luôn cộng thêm biến động của tỉ giá tương lai khoảng 1%.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa tháng qua giá USD đã tăng gần 1% và vẫn chưa dừng lại, làm đảo lộn mọi tính toán. "Doanh nghiệp nhập hàng về lúc nào ngân hàng tính theo tỉ giá lúc đó, nên tôi rất lo vì tỉ giá tăng thì giá hàng hóa đắt lên nhưng chúng tôi lại không thể tăng giá được vì cạnh tranh rất gay gắt" - ông V.T.H. nói.
Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn (Q.1), cho rằng giá bán USD tại các ngân hàng dù cao nhưng vẫn chưa đụng trần.
Điều doanh nghiệp lo lắng là khi giá USD đụng trần thời gian tới, thị trường căng thẳng hơn có thể sẽ dẫn đến việc "hai tỉ giá" như đã từng diễn ra 5-6 năm trước, khi đó khó có thể mua được USD theo giá niêm yết mà phải thương lượng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết cũng khá hồi hộp với biến động tỉ giá. Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty TNHH thương mại Tân Nhất Hương (chuyên xuất khẩu bột, kem làm bánh, hàng tiêu dùng thiết yếu sang một số thị trường có đông người Việt), cho rằng chỉ những công ty thuần túy xuất khẩu và không vay USD thì mới được lợi, chứ nếu doanh nghiệp có nhập nguyên liệu hoặc có vay USD chỉ mong tỉ giá ổn định như những năm trước là tốt nhất.
"Tỉ giá tăng thì xuất khẩu thu được nhiều ngoại tệ nhưng bù lại doanh nghiệp tôi nhập nguyên liệu cũng phải trả giá cao hơn. Nhưng lo nhất là doanh nghiệp có vay USD. Giả sử tỉ giá tăng khoảng 2% trong năm 2018, tính ra lãi suất vay USD sẽ gần ngang với lãi suất vay VND vì lãi suất vay USD là 4%/năm trong khi lãi suất cho vay VND với nhà xuất khẩu hiện chỉ từ 7-8%/năm", bà Hoài Sơn nói.
Trả lời câu hỏi liệu các doanh nghiệp Việt Nam có được lợi hay không khi đồng nhân dân tệ đang giảm do ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giám đốc một doanh nghiệp cho biết với những công ty nhập hàng và thanh toán bằng USD thì cũng không được lợi gì.
Tăng theo thế giới, chứ không thiếu USD
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thanh Hà, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho rằng giá USD tăng vọt thời gian gần đây do nhiều nguyên nhân như việc USD lên giá trên toàn cầu sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, chênh lệch lãi suất VND - USD âm, ngoài ra còn do yếu tố tâm lý khi thị trường chứng khoán trong nước một số phiên giảm điểm mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hà, thanh khoản ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn ổn định, trạng thái ngoại tệ duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Cũng theo ông Hà, tỉ giá tại các ngân hàng và tỉ giá trung tâm mới tăng khoảng 1,2% từ đầu năm đến nay, đồng thời khẳng định Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi chặt diễn biến trên thị trường ngoại tệ.
Trong khi đó, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng xu hướng tăng giá của USD là không tránh khỏi do từ đầu năm 2018 đến nay chỉ số USD - Index đã tăng khoảng 3,5%, chưa kể đây là thời điểm các DN FDI chuyển lợi nhuận về nước.
Ông Lực cho rằng tỉ giá VND/USD năm nay có thể tăng từ 1,5-2% và là mức có thể chấp nhận được.
Theo ông Lực, áp lực tăng tỉ giá năm nay sẽ cao hơn năm 2017 nhưng cung cầu ngoại tệ khá ổn do giải ngân FDI tăng, nguồn ngoại tệ thu được từ du lịch, kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực.
"Nhu cầu vay ngoại tệ tăng nhưng không quá nhiều vì Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối hiện ở mức 63 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên mức 70 tỉ USD vào cuối năm sẽ là đệm đỡ các cú sốc tỉ giá đến từ bên ngoài" - ông Lực nói.
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp
Trao đổi với báo chí chiều 2-7, ông Phạm Thanh Hà, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết để bình ổn thị trường và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan này sẽ tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỉ giá thấp hơn tỉ giá bán niêm yết hiện nay.
Ông Nguyễn Quang Dũng (phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN - Petrolimex):
Đừng để ảnh hưởng đến lạm phát
Nguồn hàng của Petrolimex chủ yếu từ nhập khẩu, khoảng 60%, nên việc giá USD tăng chắc chắn sẽ tác động đến chi phí tài chính của Petrolimex. Mức độ tác động tùy thuộc thời điểm nhưng chênh lệch tỉ giá là một khoản chi phí lớn của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu.
Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách can thiệp để tỉ giá không biến động với biên độ lớn, ảnh hưởng cục bộ đến giá xăng dầu và chỉ số giá các mặt hàng thiết yếu, gây khó khăn cho việc kiềm chế lạm phát.
Theo L.Thanh - T.Linh (Tuổi Trẻ)