Ngày 19-8, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.261 đồng/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần. Nếu tính từ đầu tháng 8 đến nay, tỉ giá trung tâm tăng thêm khoảng 16 đồng (+0,06%).
Trong khi đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại lại liên tục đi xuống. Lúc 11 giờ, Vietcombank báo giá USD mua vào ở mức 24.860 đồng/USD, bán ra giá 25.200 đồng/USD, giảm 30 đồng so với cuối tuần trước. Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD tại ngân hàng này giảm tới 200 đồng/USD.
Eximbank niêm yết giá USD ở mức 24.850 đồng/USD mua vào và 25.170 đồng/USD bán ra.
Tại Sacombank, USD được ngân hàng mua vào tại mức giá 24.850 đồng/USD, bán ra 25.180 đồng/USD.
Không chỉ USD ngân hàng, giá USD tự do sáng nay cũng bất ngờ lao dốc mạnh khi rớt cả 100 đồng. Hiện một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM báo giá USD mua vào ở mức 25.298 đồng/USD và bán ra ở mức 25.378 đồng/USD.
Hiện giá USD tự do chỉ cao hơn trong ngân hàng chưa tới 200 đồng.
Giá USD trong nước đi xuống trong bối cảnh chỉ số đồng USD (DXY) trên thị trường quốc tế cũng hạ nhiệt. Chỉ số DXY sáng nay giảm tiếp về 102,2 điểm.
Theo giới phân tích, đồng USD hạ nhiệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9 tới, và sẽ có khoảng 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo giới phân tích, việc chỉ số đồng DXY suy yếu cùng với sự can thiệp hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước thông qua bán ngoại hối, đã giảm bớt áp lực lên tỉ giá từ tháng 7 đến nay. Đồng thời, việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao cũng góp phần giúp giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VNĐ, qua đó hỗ trợ VNĐ giảm giá.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá USD/VNĐ ở các ngân hàng thương mại chỉ còn tăng khoảng 2,8%. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với "đỉnh" khoảng 4,9% theo Ngân hàng Nhà nước công bố hồi giữa tháng 4.
Theo Công ty chứng khoán ACBS, để ổn định tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã đồng loạt áp dụng các biện pháp điều phối thanh khoản VNĐ trên thị trường liên ngân hàng (phát hành tín phiếu, cung tiền qua thị trường mở (OMO), tăng lãi suất tín phiếu và OMO). Thậm chí bán ngoại tệ để giảm bớt căng thẳng cung - cầu. Áp lực tỉ giá USD/VNĐ tới cuối năm sẽ giảm.
Nhiều ý kiến từ giới phân tích cũng dự báo, áp lực tỉ giá từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục hạ nhiệt khi FED giảm lãi suất và dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tích cực nhờ cán cân thương mại thặng dư, giải ngân vốn FDI, kiều hối và khách quốc tế…
Theo Thai Phương (Nld.com.vn)