Trong ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nâng giá bán USD thêm 11 đồng/USD, đạt mức 23.284 đồng/USD. Nếu so với 2 ngày trước đó (22/7), tỷ giá bán ra ngoại tệ này đã tăng thêm 234 đồng/USD so với mức 23.050 đồng/USD duy trì suốt thời gian dài.
Tỷ giá chưa có dấu hiệu ngừng
Trong hôm nay, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt thiết lập đỉnh mới. Ngay buổi sáng, các ngân hàng đã thường xuyên thay đổi tỷ giá niêm yết để phù hợp với cung cầu của thị trường.
Cụ thể, Vietcombank và Vietinbank cùng niêm yết tỷ giá bằng nhau, ở mức 23.220 - 23.300 đồng/USD (mua vào - bán ra). So với hôm qua, tỷ giá tại 2 ngân hàng này đã tăng 50 đồng ở chiều mua và 70 đồng ở chiều bán. Còn nếu so với cuối tuần trước, tỷ giá đã tăng trên dưới 200 đồng/USD.
BIDV cũng tăng tỷ giá quy đổi lên mức 23.215 – 23.295 đồng/USD, tăng 50 đồng ở cả 2 chiều mua và bán.
Tại các ngân hàng tư nhân như ACB, Techcombank, Eximbank… giá bán USD cũng được đẩy lên ngưỡng 23.300 đồng/USD.
Sacombank tiếp tục là nhà băng bán ra với giá cao nhất, lên tới 23.315 đồng/USD (bán bằng tiền mặt). Ở chiều mua vào, ngân hàng này niêm yết giá 23.220 đồng/USD.
Đây cũng là mức kỷ lục mới của tỷ giá USD niêm yết tại ngân hàng trong nhiều năm gần đây.
Trên thị trường tự do, giá tại một số cửa hàng ở Hà Nội cũng liên tục đà tăng. Trong khi buổi sáng, giá duy trì trong ngưỡng 23.330-23.350 đồng/USD, thì từ đầu giờ chiều đã nhảy vọt lên xấp xỉ 23.400 đồng, phổ biến trong khoảng 23.330 - 23.390 đồng/USD (mua vào – bán ra). Thậm chí, có đầu mối khẳng định đang mua USD vào với giá 23.370 đồng và bán ra trên mức 23.400 đồng.
So với tỷ giá trên thị trường chính thức, giá USD tự do bán ra đang cao hơn 130 đồng/USD.
Chấp nhận giảm lợi nhuận vì biến động tỷ giá
Trao đổi với Zing.vn, TS. Bùi Quang Tín cho rằng khi tỷ giá USD tăng chắc chắn những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ là nhóm được hưởng lợi.
"Vì khi họ xuất khẩu thu tiền USD lấy về bán ra tiền đồng sẽ được nhiều hơn, rõ ràng lợi nhuận quy đổi cao hơn", vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên theo ông Tín, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đều đang phải nhập khẩu nguyên liệu, nên việc tỷ giá leo thang, xuất khẩu có lợi nhưng nhập khẩu lại bất lợi. Vì vậy, cân đối lại lợi ích thì thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không có lời bao nhiêu.
Chỉ những nhà xuất khẩu mà có sẵn nguồn hàng hóa, nguyên liệu trong nước dùng để sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài thì mới được hưởng lợi thực sự. Nếu xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì thậm chí là thiệt hại.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu cũng cho biết đà tăng của tỷ giá gần đây đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận.
“Tính ra rất nhiều đơn hàng trong khoảng một tháng trở lại đây đều bị giảm lợi nhuận do chênh lệch tỷ giá”, kế toán trưởng một doanh nghiệp nhập khẩu hàng cho biết.
Doanh nghiệp cũng cho hay tỷ giá tăng cao thời gian qua, tính ra đã tăng hơn 400-500 đồng/USD, khiến doanh nghiệp buộc phải lựa chọn 2 phương án: Chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc tính lợi nhuận chênh lên để bù đắp vào khoản lỗ tỷ giá.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp lớn thì không thể tính lợi nhuận để bù đắp vào khoản chênh lệch tỷ giá, vì sẽ làm tăng giá thành mặt hàng. Thậm chí, có doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập hàng trước đó và chuyển tiền hiện nay phải chịu cảnh một mặt hàng, hai mức giá.
Công ty chứng khoán VNDirect nhận định đà tăng của tỷ giá sẽ có tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp đang có nhiều nợ vay bằng USD, cũng như những doanh nghiệp nhập khẩu ròng. Tuy nhiên, sẽ có lợi cho những doanh nghiệp xuất khẩu ròng nên tính gộp lại, ảnh hưởng của biến động tỷ giá sẽ không làm thay đổi nhiều về bức tranh chung lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Hệ quả của việc "nén" quá lâu?
Lý giải về việc NHNN đẩy mạnh giá bán ra USD, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho hay sau khi NHNN niêm yết tỷ giá bán can thiệp ở mức 23.050 đồng/USD từ ngày 23/7, tỷ giá trên thị trường diễn biến tương đối ổn định, chủ yếu quanh mức 23.040-23.050 đồng.
Động thái này đã đáp ứng toàn bộ nhu cầu đăng ký mua ngoại tệ của các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm, để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, cùng với các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác đã giúp tỷ giá và thị trường ổn định, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ông Hà cũng khẳng định việc can thiệp tại tỷ giá 23.050 đồng/USD đã giúp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.
Trên thực tế, khi thị trường có thiếu hụt cục bộ về ngoại tệ và chịu áp lực từ yếu tố tâm lý, kỳ vọng, việc can thiệp của NHNN đã bổ sung một lượng ngoại tệ nhất định cho thị trường. NHNN quyết định niêm yết giá bán ở mức 23.273 đồng/USD để diễn biến phù hợp hơn với tình hình thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ thị trường tại mức hợp lý.
TS. Bùi Quang Tín cũng cho rằng việc giá tăng giá USD hoàn toàn phù hợp với tình hình đồng ngoại tệ các nước bị giảm giá.
"Như đồng nhân dân tệ thời gian qua giảm 4-5%, trong khi đó tiền đồng mới chỉ giảm giá gần 2% so với đầu năm (22.760 đồng/USD - PV)", ông Tín giải thích.
Chuyên gia này nói thêm bản thân NHNN cũng muốn thị trường hóa tỷ giá. Ông cũng thường xuyên tư vấn việc trong điều kiện các ngoại tệ bị giảm giá thì không nên kìm nén, vì sẽ gây ra thiệt hại cho nền xuất khẩu trong nước. Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu.
"Tỷ giá chưa phải vấn đề quá lo lắng, vì vẫn nằm trong biên độ năm nay dự kiến tăng 1-2%. Vừa rồi NHNN cũng đã bán vài tỷ USD. Ngoài công cụ dự trữ ngoại hối, NHNN vẫn còn rất nhiều công cụ để kiểm soát chỉ số này", ông Tín khẳng định.
Dự báo từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp để duy trì biến động tỷ giá trong khoảng 1,5-2,5% so với đầu năm, vừa để đảm bảo tình hình ngoại tệ, vừa cân đối nền kinh tế, lạm phát, lãi suất và GDP...
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)