Ngày 28-2, giá bán USD tiền mặt tại Sacombank chạm mức 22.799 đồng/USD. Tại Vietcombank, giá bán USD tiền mặt cũng lên mức 22.790 đồng/USD.
Giá bán USD tại VietinBank nhỉnh hơn, lên mức 22.792 đồng/USD.
Từ mức 22.735 đồng/USD thời điểm trước tết, tính đến nay giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng 55 - 64 đồng/USD.
Như vậy, hiện giá bán USD tại các ngân hàng đã gần bằng mức đỉnh thiết lập gần một năm trước.
Tuy nhiên, so với mức trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước, giá bán USD tại các ngân hàng vẫn thấp hơn từ 336 - 347 đồng/USD.
Trong những ngày qua, tỉ giá trung tâm do Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết cũng liên tiếp đi lên và hiện ở mức 22.463 đồng/USD, kéo trần giá USD tăng theo.
Theo chuyên gia Ngô Xuân Hải, tỉ giá USD liên tục đi lên kể từ sau tết đến nay có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp cải thiện.
Mặt khác, do trước tết nhu cầu VND tăng cao, nhiều ngân hàng đã bán USD để lấy VND.
Sau tết, nguồn cung VND dư thừa, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức rất thấp, chỉ khoảng 1,5%/năm, đã thúc đẩy các ngân hàng mua vào ngoại tệ.
Nhu cầu mua USD từ các ngân hàng tăng đã đẩy tỉ giá liên tục đi lên.
Song, ông Hải công nhận diễn biến này theo chu kỳ. Như năm 2017, tỉ giá cũng bật tăng từ giữa tháng 2-2017.
Phó giám đốc chi nhánh TP.HCM của một ngân hàng cổ phần lớn cũng thừa nhận sau tết các ngân hàng không còn mua ròng được USD từ khách hàng ở mức giá cũ.
Trong khi đó, trước tết ngân hàng đã bán USD cho Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh chênh lệch lãi suất trên thị trường tiền tệ giảm nhanh sau tết, các ngân hàng phải đẩy mạnh mua vào USD, khiến cầu ngoại tệ tăng nhanh.
Vậy diễn biến giá USD trong thời gian tới sẽ như thế nào, liệu có việc tỉ giá sẽ tăng đột biến?
Theo các chuyên gia, kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ nên có thể Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất đồng USD trong năm 2018. Điều đó cũng tác động đến giá USD trong nước.
Tuy nhiên, sẽ khó có việc tỉ giá tăng đột biến do trong năm 2018 nguồn cung USD vẫn khá lớn. Một trong những nguồn cung là Nhà nước tiếp tục lộ trình bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vẫn tăng trưởng khá tốt, dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh...
Thêm vào đó, hiện cơ chế mua bán USD của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại khá linh hoạt theo diễn tiến cung cầu thị trường.
Theo đó, khi các ngân hàng có nhu cầu Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán và ngược lại, khi các ngân hàng thương mại có nhu cầu bán thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng mua vào.
Trong khi trước đây, không phải khi nào Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng bán ngoại tệ mà chỉ khi thị trường rất căng thẳng...
Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)