Giảm bớt lượng thịt lợn tiêu thụ xuống mức thấp nhất. Thắt chặt hơn chi tiêu cho mặt hàng thịt lợn. Đây là tình trạng chung của nhiều người tiêu dùng trong thời điểm giá thịt tăng cao không có điểm dừng. Xu hướng này dự báo sẽ tăng trong dịp Tết sắp tới.
Thịt heo chiếm 70% trong chế biến các món ăn, tuy nhiên tại các chợ, tiểu thương buôn bán thịt lợn lại có phần vất vả hơn, khó buôn bán hơn. Có thời điểm tại chợ Tân Định TP.HCM, lượng thịt nhập về cũng giảm khoảng 25%. Không thể phủ nhận là thời gian gần đây, dịch bệnh khiến nguồn cung thịt lợn khan hiếm nên giá cả tăng cao chóng mặt. Tuy nhiên cũng không loại trừ một số trường hợp lợi dụng dịch bệnh và nguồn cung lợn khan hiếm để đẩy giá lên cao hơn so với mặt bằng chung.
Giá thịt lợn tăng cao nhất tại các tỉnh phía Bắc, trong đó, các tỉnh Thái Bình, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hà Nam… Có nơi giá lợn hơi đã ở mức 87.000 đồng/kg, tương đương mức giá 122.000 đồng/kg lợn móc hàm.
"Với mức giá móc hàm như thế này, giá thịt lợn pha lóc loại ngon nhất phải được bán với mức giá 210.000 đồng/kg, loại thấp nhất phải ở mức 100.000 đồng/kg mới có thể có lãi. Tuy nhiên, với mức giá như vậy, doanh thu của chúng tôi bị sụt giảm nghiêm trọng" – bà Nguyễn Thị Hà, kinh doanh thịt lợn tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ trên báo Lao Động.
Tại nhiều tỉnh khác, như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đan Phượng, Ba Vì, Thái Nguyên cũng đạt mức 84.000-85.000 đồng/kg; tại Phú Thọ, Nam Định, Hà Nội, Yên Bái, Ninh Bình giá thấp hơn, nhưng địa phương có giá cao nhất cũng đã ở mức 81.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá thịt lợn cũng tăng trên diện rộng với mức lợn hơi tăng cao nhất tại Thanh Hóa, Nghệ An (80.000 đồng/kg). Tuy nhiên, tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có mức giá thấp hơn, với mức chênh lệch lên tới 10-12 giá; khu vực Tây Nguyên giá 70.000 - 72.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng đang tăng cao và rút ngắn khoảng cách chênh lệch với giá lợn hơi tại miền Bắc. Trong đó, giá lợn tại Vĩnh Long lên tới 77.000 - 78.000 đồng/kg; Long An, Kiên Giang cũng tăng lên lần lượt 75.000 đồng/kg và 72.000 đồng/kg.
Tại một siêu thị lớn ở quận Tân Phú (TP.HCM), sườn non lợn được niêm yết giá 280.000 đồng/kg, lợn rừng có xương 260.000 đồng/kg, nạc dăm lên đến 185.000 đồng/kg, nạc đùi lên 175.000 đồng/kg, thịt vai 145.000 đồng/kg, xương đuôi lợn 130.000 đồng/kg, thịt ba rọi 160.000 đồng/kg… Trong khi đó, thịt bò mềm cũng được bán tại siêu thị này giá 260.000 đồng/kg.
"Chưa bao giờ giá thịt lợn lại điên như bây giờ. Nhưng người mua vẫn mua nhiều và nhiều loại ngay từ sáng đã được vét sạch", nhân viên bán hàng tại quầy nhận xét và đưa tay chỉ các khay thịt nạc dăm, thịt vai, thịt đùi đã vơi còn vài ba miếng.
Thực tế, những ngày qua, giá thịt lợn hơi và thành phẩm liên tục tăng đột biến. Một số hộ chăn nuôi thu lãi đậm, còn nhiều người tiêu dùng thì đau đầu với câu hỏi "hôm nay ăn gì". Một số tiểu thương lý giải do giá lợn ở chợ đầu mối tăng, buộc giá bán ra cho người tiêu dùng tăng theo.
Dự báo nguồn cung thịt lợn các tháng cuối năm thiếu hụt khoảng 200.000 tấn. Điều này càng khiến giá thịt lợn tăng cao hơn nữa.
Trong khi đó, ảnh hưởng từ "cơn khát" thịt lợn ở Trung Quốc vẫn đang ảnh hưởng đến toàn cầu trong đó có Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội chăn nuôi dự báo giá heo tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt, trong khi một lượng lớn bị "tuồn" qua Trung Quốc.
Theo CNBC, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết giá thịt lợn tăng 110% trong tháng 11 sau đợt tăng 101% trong tháng 10. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng nước này leo tháng tới 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng nổ hồi năm ngoái, hàng chục triệu con lợn ở Trung Quốc chết hoặc bị tiêu hủy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thịt nước này. "Cơn khát" thịt lợn tại quốc gia tỷ dân cũng đe dọa làm gián đoạn nguồn cung thịt lợn toàn cầu.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)