'Thịt lợn đắt ngang thịt bò' vì đâu nên nỗi?

26/11/2019 13:36:35

Liên quan đến giá thịt lợn tăng mạnh trong khoảng 1 tuần trở lại đây, đại diện cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) đã có những giải thích cặn kẽ.

Cơn khát thịt lợn “sạch”

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã khiến cho thị trường thịt lợn trong nước trở nên “khát” hơn bao giờ hết.

Theo Tổng cục thống kê, đàn lợn cả nước tháng 10/2019 giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường gia tăng.

Ghi nhận nhanh của PV báo điện tử Người Đưa Tin, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Nghĩa Tân, chợ Phú Đô… các tiểu thương đều cho rằng thời gian gần đây giá thịt lợn có tăng hơn trước.

'Thịt lợn đắt ngang thịt bò' vì đâu nên nỗi?
Giá thịt lợn thời gian gần đây tăng lên đáng kể, thậm chí nhiều người còn cho rằng thịt lợn đắt ngang ngửa thịt bò.

“Chúng tôi bán thịt giá trung bình từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng/1kg, tuỳ loại thịt. Mấy ngày gần đây giá thịt tăng cao nên khách mua hàng cũng kêu mua 30.000 hay 50.000 đồng cũng chỉ được có chút thịt”, bà Hoài (tiểu thương bán thịt tại chợ Nghĩa Tân) chia sẻ.

Trong khi đó, thay vì lựa chọn mua thịt lợn tại chợ, thời gian gần đây nhiều người dân lại đổ xô đặt mua lợn sạch ở các vùng quê.

Chị Lan Anh (Hà Nội) cho biết: “Tôi có một người đồng nghiệp quê ở Sơn La, thời gian gần đây có mổ đụng thịt lợn và bán với giá 200.000 đồng/1kg. Biết nguồn thịt lợn đảm bảo, an tâm nên tôi cũng đã đặt mua vài kg về để cả nhà ăn dần. Dù thịt có đắt hơn một chút, nhưng tôi nghĩ thịt lợn thời gian gần đây đang tăng giá mạnh nên đành chấp nhận. Chưa bao giờ tôi thấy giá thịt lợn lên cao đến thế”.

Lý giải giá thịt lợn tăng mạnh

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về giá thịt lợn tăng mạnh thời gian gần đây ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) chỉ ra một loạt các nguyên nhân: “Khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, thịt lợn tăng giá mạnh, có rất nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, ở thời điểm tháng 5, 6 là thời điểm dịch tả lợn châu Phi cao điểm, lượng lợn bị tiêu huỷ tương đối nhiều. Lợn mới nuôi thời điểm tháng 5, 6 thì bây giờ xuất chuồng, nên nguồn cung sẽ thấp hơn so với các tháng trước.

Thứ hai, dịp này nhu cầu thịt lợn cũng tăng do đám cưới, công việc gia đình của người dân.

Thêm nữa, các doanh nghiệp cung cấp thịt lợn thông báo giá thịt lợn duy trì chỉ 66.000 – 68.000 đồng/1kg. Còn một số nơi thông báo giá 75.000-76.000 đồng/kg, nhưng giá này không lớn. Vì, một số hộ tư nhân thấy giá cao thì giữ lại tăng giá, hoặc cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không mua được lợn ở những trang trại lớn thì chấp nhận mua lợn với giá cao.

Ngoài nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung còn có hiện tượng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá lên cao, gom hàng bán sang các nước khác nhất là Trung Quốc”.

'Thịt lợn đắt ngang thịt bò' vì đâu nên nỗi? - 1
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi đưa ra hàng loạt nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng (Ảnh minh hoạ).

Ông Nguyễn Văn Trọng cũng thông tin thêm, vừa qua Tổng cục Thống kê cùng bộ NN&PTNT và bộ Công thương họp cũng đã thống nhất, tính toán rằng thịt lợn sẽ thiếu hụt ở quý IV khoảng 200.000 tấn, tính toán nhu cầu quý IV tăng 10% so với bình thường.

“Nếu thiếu thịt lợn thì các doanh nghiệp sẽ tiến hành nhập khẩu. Còn hiện tại, số lượng nhập khẩu thịt lợn 10 tháng trong nước không cao, chỉ 16,3 ngàn tấn. Số lượng nhập khẩu chỉ là sản phẩm phụ như móng, chân giò, khấu đuôi… ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ về giải pháp nếu thịt lợn dịp Tết thiếu.

Nói về phương án để nuôi lợn làm sao tránh được dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Trọng cho hay: “Hiện tại, sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ tháng 2, trên cơ sở đó bộ Nông nghiệp đã tổ chức rất nhiều hội nghị về công tác phòng chống dịch.

Thêm nữa, bộ cũng tổ chức những hội nghị chăn nuôi an toàn sinh học, bộ cũng đã đưa ra hướng chăn nuôi an toàn sinh học, kết hợp với sử dụng các chế phẩm sinh học tăng cường sức đề kháng, đã có một loạt mô hình chăn nuôi rất hiệu quả. Đồng thời, Bộ cũng đã đưa ra văn bản gửi các sở NN&PTNT theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học và kết hợp sử dụng chế phẩm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có văn bản hướng dẫn tái đàn, những trang trại cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện về mặt an toàn sinh học, đủ điều kiện theo quy định thì cho tái đàn mới có nguồn thực phẩm để cung cấp cho mấy tháng cuối năm (quý IV)”.

Cũng liên quan đến việc xuất khẩu lợn theo đường tiểu ngạch, ông Nguyễn Văn Trọng cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp ngăn chặn kịp thời. Mặc dù tái đàn, nhưng không thể xuất theo đường tiểu ngạch. Bởi như vậy, nguồn cung trong nước sẽ giảm đi, sẽ thiếu hụt thịt.

Theo Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)