Gần một năm qua, người dân cả nước phải chịu giá lợn cao bất chấp các biện pháp của Bộ NN&PTNN như yêu cầu các doanh giảm giá lợn hơi, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh.
Dù nhiều lần người đứng đầu Bộ NN&PTNN lý giải, do thiếu nguồn cung bởi dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường bao nhiêu đến nay chưa có con số cụ thể. Trong khi đó, các tiểu thương vẫn buôn bán lợn bình thường cung cấp ra thị trường và chỉ có giá là không giảm.
Trước đây, giá lợn hơi trong khoảng 30-35.000 đồng/kg nhưng thị trường bán ra giá gấp 3 lần, lên tới 80.000-100.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng lên tới 150.000-190.000 đồng/kg.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết: “Lợi nhuận một số công ty chăn nuôi rất lớn, theo phản ánh bán một con lợn hơi tại cửa chuồng với giá 75.000 – 80.000 đồng/kg, họ đã lãi 2-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận rất cao nên khó chấp nhận”.
Theo ông Phú, cả đất nước 100 triệu dân mà chỉ có 15 doanh nghiệp lớn cung ứng thịt lợn - ở đây có dấu hiệu độc quyền theo nhóm.
Ngoài ra, ông Phú cho rằng, mỗi kg thịt lợn hiện cõng 6-7 khâu trung gian, mỗi khâu “ăn” một ít khiến giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng cao.
Từ trước đến nay, ngành chăn nuôi lợn vẫn chưa thể thiết lập được theo mô hình liên kết tam giác (tức là từ trang trại – lò giết mổ – bán lẻ).
Thậm chí, xuất hiện tình trạng một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá, họ còn có những hành động biểu hiện của sự tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.
“Lâu nay chúng ta vẫn tập trung giảm giá thịt lợn ở khâu nguồn cung, song dường như còn bỏ ngỏ khâu phân phối, bán lẻ.
Từ trang trại chăn nuôi đến bán lẻ giá tăng 40-60%, bao gồm thương lái công ty liên kết, lò mổ, bán lẻ; hưởng chi phí mỗi công đoạn 10-15%, riêng khâu bán lẻ còn hưởng có thể cao hơn, thực tế một số mặt hàng gửi bán vào siêu thị có lúc bị ép chiết khấu lên đến 20-30%”, ông Phú nói.
Do vậy, ông Phú cho rằng, để giảm giá thành thịt lợn thì cần phải công khai, làm rõ số liệu của từng khâu trung gian, tổ chức liên kết từ trang trại – giết mổ đến phân phối bán lẻ.
“Để giảm giá thịt lợn thì phải kết nối, phối hợp. Bộ NN&PTNT giám sát khâu giết mổ, Bộ Công Thương giám sát khâu phân phối bán lẻ. Từ đó mới thiết lập được cầu: từ trang trại đến khâu giết mổ, bán lẻ, bớt khâu thương lái, bán buôn.
Riêng ở khâu giết mổ, Nhà nước có thể bỏ vốn đầu tư ban đầu để xây dựng các cơ sở giết mổ hiện đại, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp, điều này vừa giải quyết được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như bớt được khâu trung gian, có thể liên kết từ đơn vị chăn nuôi – giết mổ – bán lẻ”, ông Phú kiến nghị.
Còn ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) đặt nghi vấn: “Nếu cung cầu không gặp nhau thì tại sao trên thị trường người bán, người mua vẫn gặp nhau và tạo ra những giao dịch thành để mua đựợc, bán được với giá 100.000Đ/kg lợn hơi? Tôi nghĩ nếu cung không gặp cầu thì ngành chăn nuôi tan nát rồi và dẫn đến đổ bể nền kinh tế rồi”.
Ông Thoả phân tích, cung cầu lúc nào cũng gặp nhau, hai lực tương tác này luôn vận động,tác động lẫn nhau,gặp nhau, kết duyên với nhau tại điểm mà mức giá là 100.000đ/kg lợn hơi.
Vấn đề ta phải xem mức giá đó được hình thành trong trạng thái “dư thừa" hay "thiếu hụt" của thị trường ( tức là có cân đối hay không ) để điều hành sao cho số lượng cung bằng số lượng cầu (hay cũng có thể nói cung cầu cân đối hợp lý) để có giá cân bằng cung cầu hợp lý.
“Nếu nói cung không gặp cầu nên giá cao là sai về bản chất. Hiểu như thế thì điều hành thị trường không thể thành công được”, ông Thoả nói.
Theo Hạ Vy (Tiền Phong)
https://www.tienphong.vn/kinh-te/gia-thit-lon-cao-ngat-nguong-co-dau-hieu-doc-quyen-nhom-1673098.tpo